Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.790.413
Hôm qua:1.315
Hôm nay:1.268

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

NHÂN KIỂM ĐIỂM CUỐI NĂM LẠI BÀN VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG ĐẢNG HIỆN NAY

15:12 | 20/12/2019 1974

Nhân kiểm điểm cuối năm lại bàn về việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình

trong Đảng hiện nay

ThS. Phan Thị Mỹ Dung

Trưởng Phòng QLĐT và NCKH

       Hơn ai hết, là người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời giữ cương vị lãnh đạo Đảng và nhà nước suốt 24 năm, Hồ Chí Minh quan tâm nhất là cán bộ và việc rèn luyện đạo đức tư cách người cán bộ, đảng viên. Từ phần đầu tác phẩm Đường Cách mệnh (1925) tập hợp những bài giảng tại lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ đầu tiên để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, Người đã đề cập đến Tư cách của một người cách mệnh trên ba phương diện: với mình; với người và với công việc. Trong đó, điều đặc biệt là ở phương diện thứ nhất - với mình, Người viết: Cả quyết sửa lỗi mình, thể hiện cao nhất, tập trung nhất tư cách người cách mạng. Bởi nếu không cả quyết sửa lỗi thì không thể tiến bộ, và như vậy người cán bộ không thể thực hiện tốt hai phương diện còn lại. Đây là lý do vì sao ngay sau Cách mạng tháng Tám, giữa lúc cách mạng gặp bộn bề gian khó, Người càng đặc biệt lưu tâm đến cán bộ, về những khuyết điểm cần phải kiên quyết tẩy sạch.

       Thế nhưng thói thường người ta ít ai muốn bản thân mình hoặc người khác đề cập đến khuyết điểm, lỗi lầm của mình. Và như vậy, theo Hồ Chí Minh là giấu diếm khuyết điểm. Và Người ví việc giấu diếm khuyết điểm như giấu diếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh (tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, viết năm 1947). Đối với tổ chức, một chính đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng.

       Theo Hồ Chí Minh, thừa nhận khuyết điểm của mình và thực thà tự phê bình trước tập thể, trước tổ chức là thể hiện bản lĩnh vượt lên trên cái tôi, cái bản ngã của một người cán bộ, đảng viên. Trên thực tế điều này ai cũng hiểu nhưng không nhiều người làm được. Bởi vậy, Hồ Chí Minh cho rằng: Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình. Hơn thế, Người chỉ ra: Cá nhân, tổ chức Đảng đó vạch rõ những cái đó (sai phạm, khuyết điểm) vì đâu mà có? Rồi xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Và làm được như thế, mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

       Một trong những điều đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân cũng như tổ chức Đảng, nếu muốn tiến bộ, vững mạnh, theo Hồ Chí Minh phải thường xuyên thực hiện có hiệu quả việc tự phê bình và phê bình. Theo Bác, cả cá nhân và tổ chức, để thực sự có tư cách người cách mạng phải luôn luôn cả quyết sửa lỗi, tức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong đó, tự phê bình trước và có hiệu quả mới phê bình tốt.

       Nhìn suốt chiều dài lịch sử từ khi Đảng ra đời đến nay, đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng chỉ trưởng thành và vững mạnh lên khi nào và ở đâu thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt đảng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình giúp mỗi cán bộ đảng viên cũng như tổ chức nhận ra khuyết điểm để sửa chữa kịp thời, nhanh tiến bộ, do đó còn được xem là quy luật phát triển Đảng. Tuy nhiên, trên thực tế ở những vụ việc sai phạm vừa qua từ cấp Trung ương đến địa phương, chi bộ cơ sở cho thấy việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng còn nhiều bất cập. Biểu hiện tập trung nhất và lặp đi lặp lại nhiều năm nay, đó là: Tình trạng phổ biến (vì vậy mà rất khó để khắc phục vì phần đông cán bộ đảng viên mắc phải!) là tự phê bình qua loa, đại khái, chung chung, hạn chế khuyết điểm được nêu ra với những câu từ sáo rỗng, lặp đi lặp lại năm này qua năm khác: “vẫn còn e ngại, né tránh, ngại va chạm, chưa sâu sát, tinh thần phê bình và tự phê bình chưa cao,…”. Người tự phê bình ngay lúc trình bày cũng không hình dung được là mình có khuyết điểm lỗi lầm gì, bởi những lỗi được nêu ra không cụ thể. Do vậy bản thân người tự phê bình sau đó cũng không nhớ mình mắc khuyết điểm gì (vì chưa chắc họ thật sự xem đó là hạn chế của mình vì nó chung chung, vô thưởng vô phạt không gây ra tác hại/hậu quả cụ thể nào) để tìm cách ngăn chặn, sửa đổi. Vì như vậy mà tự phê bình hoàn toàn không phát huy tác dụng trong việc tự rèn luyện của mỗi cán bộ đảng viên. Điều này phổ biến và lâu dần trở nên bình thường trong nhận thức và hành động của từng cán bộ, đảng viên. Dù vậy thì điều đó vẫn chưa đáng lo ngại bằng việc nếu có cán bộ đảng viên nào thực hiện nghiêm tự phê bình thì cũng chưa chắc được cấp trên ghi nhận, được đồng chí, đồng nghiệp tin. Đáng ngại hơn nữa là trong một tổ chức thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình chưa nghiêm như trên thì hành vi tự phê bình một cách nghiêm túc (nếu có) đôi lúc trở nên lạc lõng và vô giá trị (?!).

       Tự phê bình là vậy nên phê bình càng kém hiệu quả. Tâm lý chung là ngại nhận xét, góp ý phê bình đồng nghiệp, đồng chí. “Dĩ hoà vi quý” được lựa chọn trong ứng xử giữa các cá nhân với nhau trong tập thể. Phê bình đồng chí đồng nghiệp đã khó, trên thực tế thực hiện nguyên tắc phê bình trong quan hệ cấp dưới với cấp trên hầu như không thực hiện được, hoặc nếu có cũng rất hình thức. Việc cấp dưới góp ý cho lãnh đạo càng không khả thi, có nơi, có lúc gây ra nhiều hệ luỵ, phiền toái trong các mối quan hệ công tác về sau. Đôi lúc chính điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bằng mặt không bằng lòng, làm giảm năng suất, kém phối hợp, hiệu quả công việc thấp. Chính vì vậy mà hiện nay, trong sinh hoạt Đảng, tình trạng thực hiện phê bình rất hình thức. Xu hướng rõ rệt nhất thường thấy trong phê bình, đó là: Hoặc là, phê bình qua loa, chiếu lệ, nói cho có, không có sự việc, không có con người cụ thể, không phân tích nguyên nhân nên không có cơ sở đề xuất biện pháp khắc phục. Hoặc là, tranh thủ phê bình để tâng bốc, nịnh hót, a dua, lấy lòng nhau hay lợi dụng phê bình để hạ uy tín của nhau. Tuy nhiên việc lợi dụng phê bình để bôi nhọ nói xấu nhau là hành vi sai nguyên tắc của Đảng và thường bộc lộ ra bên ngoài nên rất dễ nhận thấy vì vậy mà dễ ngăn ngừa. Tuy nhiên tranh thủ phê bình để nịnh, tâng bốc cấp trên, làm đẹp lòng nhau thường người ngoài cuộc không dễ dàng nhận ra. Đây lại là một biểu hiện của cơ hội chủ nghĩa (tinh vi) nên rất khó nhận diện để có biện pháp đối phó.

       Nhìn chung, việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay còn nhiều yếu kém. Do vậy nhiều khuyết điểm lỗi lầm sai sót của cá nhân, tổ chức ít được chỉ ra nên kết quả công việc rất chậm hoặc không tiến triển. Từ thực trạng trên có thể thấy có mấy nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan sau:

       Thứ nhất, do mỗi cá nhân tổ chức nhận thức chưa đúng đắn về vai trò của tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng tập thể.

       Thứ hai, mỗi cá nhân thiếu nỗ lực ý chí và quyết tâm rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Về điều này  Bác Hồ đã cảnh báo: Cán bộ không dám công khai thừa nhận, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.

       Thứ ba, thiếu cơ chế ràng buộc, chế tài xử lý những hành vi tự phê bình và phê bình chưa nghiêm túc cũng như chưa có biện pháp động viên, khích lệ những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt. Đây là nguyên nhân quan trọng, có thể có tác động làm thay đổi nhận thức và hành vi của cán bộ đảng viên trong thực hiện nguyên tắc này.

       Thứ tư, nguyên nhân thuộc về cơ chế tâm lý của con người nói chung. Khoa học Tâm lý chỉ ra rằng: Trước sự đe doạ của các nguy cơ đến từ tự nhiên và xã hội, ngay từ khi mới hình thành để tồn tại và phát triển được, con người phải có ý thức tự vệ, ban đầu chỉ dưới hình thức các phản xạ, phản ứng. Cho nên ngay từ rất sớm trong tiềm thức, con người luôn có khuynh hướng ngăn chặn tất cả những tác động từ bên ngoài có khả năng đe doạ sự an toàn của bản thân mình. Vì vậy mà tâm lý không muốn nghe những điều bất lợi về mình (cụ thể là những góp ý phê bình) có nguồn gốc từ phản xạ tự vệ của con người. Chính bởi nguyên nhân này mà theo Bác Hồ muốn phê bình hiệu quả phải phải có nguyên tắc và phương pháp đúng. Nguyên tắc phê bình Bác chỉ ra là: trên cơ sở tình đồng chí yêu thương lẫn nhau để phê bình giúp người được phê bình có cảm giác an tâm (an toàn) nên họ có tâm thế (mở lòng) đón nhận sự phê bình. Phương pháp phê bình theo Người hết sức dễ hiểu và dễ thực hiện, đó là: phê bình việc (có thời gian, không gian, con người và sự việc cụ thể), không xúc phạm, tổn thương con người.

       Trong tình hình hiện nay, để đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình cần tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về các mặt: ý nghĩa, vai trò của tự phê bình, mục đích, đến nội dung phê bình, phương pháp phê bình và cuối cùng là nguyên tắc tự phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, cần giáo dục hình thành ý thức xã hội đấu tranh chống lại thói thờ ơ vô cảm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, dĩ hoà vi quý cốt được lòng nhau trong tâm lý xã hội hiện nay.

       Bên canh đó, Đảng cần xây dựng các quy định, quy chế nhằm động viên, cổ vũ các cá nhân tổ chức thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đồng thời có các quy định, chế tài xử lý nghiêm việc thực hiện không đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trước hết trong Đảng, trong Nhà nước và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Đồng thời tập trung thực hiện tốt các giải pháp đổi mới phương thức sinh hoạt Đảng bộ, Chi bộ đã được các nghị quyết của Đảng nêu ra. Quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác trong công tác xây dựng Đảng về cả chính trị ,tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: