Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.817.081
Hôm qua:939
Hôm nay:892

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Giới thiệu sách, tác phẩm

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM “CHIẾC LEXUS VÀ CÂY ÔLIU”

14:07 | 14/05/2018 2973

1. GIỚI THIỆU TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

Có lẽ cái tên Thomas Loren Friedman (20/7/1953) - người từng 3 lần đoạt giải Pulitzer, bình luận viên quan hệ quốc tế của thời báo The New York Times - không xa lạ gì với những người đam mê sách. Ông nổi lên như một hiện tượng của thế giới đương đại khi cho ra đời nhiều đầu sách gây tiếng vang lớn - trong đó, nổi bật nhất là: "Thế giới phẳng" và "Chiếc Lexus và cây ô liu". Trong khi "Thế giới phẳng" mang đến cho độc giả nhãn quan mới khi nhìn nhận về thế kỷ XXI, thì "Chiếc Lexus và cây ô liu" như phơi bày thế giới hiện thực ngày nay với những biến động không ngừng, xoay quanh một tâm điểm: HỆ THỐNG TOÀN CẦU HÓA. "Thế giới phẳng" thì quá nổi tiếng, được nhiều người biết đến, còn "Chiếc Lexus và cây ô liu" cũng là 1 tác phẩm để đời của tác giả nhưng khá kén người đọc. Và hy vọng rằng, tác phẩm này sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích.

Ấn phẩm: "Chiếc Lexus và cây ô liu" trình làng, ngay lập tức tạo nên sức hút dữ dội, nhanh chóng lan ra ngoài biên giới nước Mỹ- những thời báo danh tiếng nhất tràn đầy những lời bình phẩm tốt đẹp dành cho Thomas và tác phẩm này. Điển hình, mục điểm sách của tờ The New York Times viết rằng: "Cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu đã ra giải đáp hay nhất và lý thú nhất cho câu hỏi toàn cầu hóa là gì?". Hay Salon nhận xét: "Hiếm có  trang nào trong sách lại không có những đoạn văn đáng được ghi nhớ...”. Quả là khó hình dung - một tác phẩm như thế nào mà nhận được nhiều lời tán thưởng đến như vậy. Và khi đọc "Chiếc Luxus và cây Ô liu", tôi mới ngộ ra sức hấp dẫn của nó không chỉ dừng ở độ nổi tiếng của tác giả hay tựa đề ấn tượng mà còn phát xuất từ độ sâu của nội dung, viết về vấn đề cũ nhưng cách tiếp cận mới lạ và phong cách viết dí dỏm, nhẹ nhàng.

2. KẾT CẤU

          Ngoài lời tựa và một phần được tác giả gọi tên: "Màn dạo đầu" như một lời trích dẫn thì nội dung chính của cuốn sách bao gồm 736 trang được chuyển tải qua 4 phần. Phần một có 7 chương, mang đến cho đọc giả một cách nhìn tổng quan vào hệ thống toàn cầu hóa ngày nay và cách hệ thống hoạt động. Phần hai có tên: "Kết nối vào hệ thống", gồm 7 chương tiếp theo, giải thích các quốc gia, cộng đồng, cá nhân và môi trường tương tác với hệ thống. Phần ba chủ yếu đi vào làm rõ sự chống đối toàn cầu hóa trong phạm vi 2 chương. Và phần bốn: "Hoa Kỳ và toàn cầu hóa", tổng cộng 4 chương cuối đi sâu vào vai trò của Mỹ và lý giải vì sao cần có Mỹ để ổn định hệ thống mới.

3. NỘI DUNG

MÀN DẠO ĐẦU

"Màn dạo đầu" với trích lược khá thú vị: "Thế giới này tròn mười tuổi".

          Nếu tôi nhớ không lầm thì trái đất có niên đại 4,55 tỷ năm và mầm sống đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng 4 tỷ năm. Thế mà Thomas lại cho rằng: "Thế giới này tròn mười tuổi". Đọc đến cuối phần này thì độc giả mới vỡ lẽ đây cách định tuổi của nền kinh tế non trẻ nhất của thế giới - nền kinh tế toàn cầu. Lưu ý là ông viết cuốn sách này vào thời điểm năm 2000. Theo như cách tính của ông thì nếu được tái bản, tựa phải được sửa lại là "Thế giới này tròn  20 tuổi". Và xót thay, những khối óc của CNTB lại lấy mốc 1989 - khi hệ thống các nước XHCN sụp đổ là thời điểm tái sinh ra nền kinh tế toàn cầu. Gọi là tái sinh vì Thomas cho rằng từ giữa những năm 1800 đến cuối thập niên 1920, thế giới cũng đã trải qua một kỷ nguyên toàn cầu hóa tương tự. Ông so sánh giữa hai kỷ nguyên này và rút ra nhiều điểm tương đồng cũng như những khác biệt. Và Thomas cũng rất có lý khi tóm tắt sự khác biệt giữa hai kỷ nguyên toàn cầu hóa như thế này: "Nếu kỷ nguyên đầu tiên thu nhỏ thế giới từ cỡ "lớn" thành cỡ "trung" thì kỷ nguyên toàn cầu hóa lần này đang thu nhỏ thế giới từ cỡ "trung" thành cỡ "nhỏ". Đúng là với phát minh tàu chạy bằng hơi nước, điện tín, đường sắt và sau cùng là điện thoại biến thế giới từ cỡ "lớn" thành cỡ "trung" theo nghĩa làm con người có thể đến được nhiều nơi, giao thương với nhiều nơi một cách nhanh hơn và chi phí rẻ hơn. Tương tự như vậy, nhờ vào giá viễn thông ngày càng giảm - nhờ bộ vi xử lý, vệ tinh, cáp quang và internet tạo điều kiện cho các quốc gia và doanh nghiệp vươn ra khắp thế giới xa hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và sâu hơn trước và điều này được ông hình tượng hóa là biến thế giới từ cỡ "trung" thành cỡ "nhỏ". Đúng là với phát minh tàu chạy bằng hơi nước, điện tín, đường sắt và sau cùng là điện thoại, biến thế giới từ cỡ "lớn" thành cỡ "trung" theo nghĩa làm con người có thể đến được nhiều nơi, giao thương với nhiều nơi một cách nhanh hơn và chi phí rẻ hơn. Tương tự như vậy, nhờ vào giá viễn thông ngày càng giảm - nhờ bộ vi xử lý, vệ tinh, cáp quang và internet tạo điều kiện cho các quốc gia và doanh nghiệp vươn ra khớp thế giới xa hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và sâu hơn trước; và điều này được  ông hình tượng hóa là biến thế giới từ cỡ "trung" thành cỡ "nhỏ".

          Viết về toàn cầu hóa, cuốn sách này đặc biệt lưu tâm đến những mặt trái của nó. Nhất là những hệ lụy và cơ chế lan truyền khủng khiếp của khủng hoảng toàn cầu: Quả vậy, cuộc khủng hoảng tài chính 1997 bắt nguồn từ Thái Lan là minh chứng rõ nhất. Một vài tháng sau ngày 8/12/1997, cái ngày mà 56 trên tổng số 58 tổ chức tín dụng của nước này tuyên bố đóng cửa, đồng Bath suy sụp thì bóng ma khủng hoảng đã hiện diện ở mọi ngóc ngách của thế giới. Đây được xem là "những quân cờ đô mi nô đầu tiên trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đầu tiên trong kỷ nguyên "toàn cầu hóa". Phần này đề cập rất tỉ mỉ, chi tiết việc thị trường Đông Nam Á chịu ảnh hưởng như thế nào khi các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn, và từ Đông Nam Á lan truyền dẫn đến đáp sập nền kinh tế Nga ra sao, đến lượt Braxin chao đảo làm nghiêng ngả nền kinh tế Mỹ và cuối cùng là cú vực dậy đầy ngoại mục của quốc gia này kéo cả thế giới thoát khỏi thời kỳ đen tối. Tác giả chốt lại thời kỳ này bằng ghi nhận của tờ USA Today: "Khó khăn tràn từ lục địa này sang lục địa khác như một con virut".

          Tuy đầy rẫy những bất ổn nhưng toàn cầu hóa mang lại những điều tốt lành nhiều hơn. Thomas L.Freidman ví von rằng "tôi cảm nhận về toàn cầu hóa cũng như cảm nhận bình minh. Nói chung, tôi nghĩ sáng nào mặt trời đều mọc là điều tốt. Tốt nhiều hơn xấu, đặc biệt nếu bạn có mang kính râm. Nhưng ngày cả nếu tôi không thèm quan tâm gì đến bình minh, tôi cũng chẳng làm gì được nó. Tôi không gây ra toàn cầu hóa. Tôi không ngăn nó được. Những gì đang diễn ra đã kiểm chứng cho luận điểm này. Toàn cầu hóa như là guồng máy của thời đại mà không sức mạnh nào, thế lực nào có thể khiên cưỡng. Nếu quốc gia nào đóng cửa, từ chối toàn cầu hóa thì phải trả cái giá rất đắt và không có cơ may phát triển. Đơn cử như Triều Tiên, tách mình khỏi thế giới, phải sống nhờ viện trợ. Nêu được những thời cơ và thách thức trong xu thế toàn cầu hóa, "Chiếc Lexus và cây ô liu" không dừng lại đó mà cũng đã dành một phần lớn dung lượng để trả lời câu hỏi lớn của thời đại: hưởng ứng toàn cầu hóa như thế nào để tận dụng thời cơ và giảm thiểu thiệt hại. Đây cũng chính là tinh thần xuyên suốt cuốn sách này.

          Vậy phải hiểu hệ thống toàn cầu hóa như thế nào và trên giác độ nào? Chương một cho ta một cái nhìn đầy đủ về hệ thống mới - hệ thống toàn cầu hóa.

PHẦN I

CHƯƠNG MỘT: “KHI BỨC TƯỜNG BERLIN SỤP ĐỔ”

          Khi bức tường Berlin sụp đổ (13/8/1961-9/11/1989), là cờ của Cộng hòa Liên bang Xô Viết bị tháo xuống khỏi nóc điện Kremlin, quyền lực chuyển từ tay Mikhail Gorbachev sang tay Boris Yeltsin thì cùng lúc đó hệ thống Chiến tranh lạnh bị xóa sổ, thay vào đó là hệ thống toàn cầu hóa làm khuôn mẫu chung cho các mối quan hệ quốc tế ra đời. Thời tôi học, trong sách lịch sử lớp mười hai gọi đây là thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, khi đọc cuốn sách này thì tôi biết đích xác chúng ta đang ở trong hệ thống toàn cầu hóa.

Như thế, trong thời Chiến tranh lạnh, câu hỏi thường là “quý vị đứng về phe nào?” trong toàn cầu hóa người ta hay hỏi, “bạn kết nối với người khác ở mức độ nào?” Trong chiến tranh Lạnh, người ta hay hỏi, “tên lửa của bạn lớn đến đâu?” Trong toàn cầu hóa người ta muốn biết, “modem của bạn nhanh đến mức nào?”.

Mổ xẻ, so sánh, cuối cùng tác giả khẳng định: Toàn cầu hóa không chỉ là một hệ thống quốc tế - một hệ thống chủ đạo, thay thế Chiến tranh lạnh sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Và toàn cầu hóa được định nghĩa như sau: “Nó là một sự hội nhập không thể đảo ngược giữa những thị trường quốc gia và công nghệ, tới mức chưa từng có – theo phương cách tạo điều kiện cho các cá nhân, tập đoàn công ty và nhà nước vươn quan hệ đến nhiều nơi trên thế giới xa hơn, sâu hơn với chi phí thấp hơn bao giờ hết và cũng theo phương cách giúp thế giới tiếp cận các cá nhân, tập đoàn công ty và nhà nước xa hơn, sâu hơn với chi phí thấp hơn bao giờ hết. Quá trình toàn cầu hóa cũng khiến nảy sinh chống đối dữ dội từ những ai bị thiệt hại hay bị hệ thống mới bỏ rơi”.

Đưa ra được định nghĩa về toàn cầu hóa cũng là thành công lớn của “Chiếc Lexus và cây ô liu”. Chính vì thế mà tờ The New York Times đã dành những lời có cánh – đại loại như: “không ai định nghĩa toàn cầu hóa hay bằng Thomas L.Freidman”.

CHƯƠNG HAI: “TRAO ĐỔI THÔNG TIN”

Chương này có tựa là “Trao đổi thông tin”. Chính bản thân tôi cũng rất băn khoăn – “trao đổi thông tin” gì ở đây? Và nó có liên quan thế nào đến hệ thống toàn cầu hóa?

Thì ra, đây là phương pháp chủ yếu mà Thomas L. Freidman dùng để giải thích hệ thống toàn cầu hóa phức tạp này. Ông quan niệm: phải quan sát thế giới qua nhiều lăng kính và đồng thời, truyền tải sự phức tạp ấy đến đọc giả, thông qua những câu chuyện đơn giản, chứ không dùng những lý thuyết hào nhoáng. Chính vì thế, ông sử dụng phương pháp “Trao đổi thông tin” để hiểu thế giới và “kể chuyện” để giải thích thế giới.

Như đã nói ở trên, toàn cầu hóa là hệ thống vô cùng phức tạp. Và để hiểu được nó phải quan sát qua lăng kính sáu chiều: chính trị, văn hóa, công nghệ, tài chính, an ninh quốc gia và môi trường. Trong hệ thống toàn cầu hóa, ranh giới truyền thống giữa các yếu tố này được xóa nhòa dần. Và chính mối quan hệ khăng khít, sự tác động qua lại này tựa hồ như những “bàn tay vô hình và những chiếc cùm có thể trói và cùm tay các vị nguyên thủ và các quốc gia, không cho họ hành động theo những chiều hướng nhất định”.

CHƯƠNG BA: “CHIẾC LUXUS VÀ CÂY Ô LIU”

Chương  ba với tựa: “Chiếc Lexus và cây ô liu” là chương trọng tâm. Ở đây xuất hiện hình ảnh “chiếc Lexus”. Lexus là dòng xe hơi sang trọng mà người ta hay gọi là siêu xe. Một nhà máy của Nhật trong một ngày cho ra đời 300 chiếc nhưng chỉ với 66 công nhân, còn sử dụng đến 310 người máy. Chính vậy mà tác giả sử dụng hình tượng “chiến Lexus” tượng trưng cho công nghệ, kỹ thuật tân tiến – tức hệ thống toàn cầu hóa hiện đại. Còn “cây ô liu” đại diện cho những sức mạnh văn hóa, địa lý, truyền thống và cộng đồng từ ngàn xưa. Hai hình tượng này song hành cốt yếu thể hiện hai nửa của thế giới ngày nay: Trong cơn lốc toàn cầu hóa, một nửa thế giới bước ra thời kỳ chiến tranh Lạnh, cố gắng bắt nhịp với công nghệ, hiện đại hóa, tư nhân hóa nền kinh tế để vươn lên; còn nửa kia thì cố níu giữ, giành giật những gì xưa cũ, khép nép, thu mình trước thời cuộc. Cũng theo lẽ thông thường, “chiếc Lexus” và “cây ô liu” – cái mới và cái cũ có một cuộc xung đột giằng co, dữ dội. Tâm điểm của nó là vụ một thị trấn ở miền Tây Nam nước Pháp đã trả đũa việc Mỹ áp thuế đối với loại phô mai đặc sản của vùng này bằng cách áp thuế 100% lên mọi chai Coca Cola được bán trong thị trấn. Họ rất có lý khi cho rằng Coca Cola bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng có hương vị giống nhau, còn phô mai của họ chỉ có một. Họ muốn chống lại việc các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ muốn đồng nhất mọi hương vị trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng khá nhiều sự thỏa thuận, hợp tác; sự lợi dụng, khai thác, chế ngự lẫn nhau giữa “chiếc Lexus” và “cây ô liu” trong suốt bối cảnh toàn cầu hóa. Nó thể hiện điều gì? Câu trả lời thể hiện ở tính hai mặt của toàn cầu hóa: hệ thống này giúp cho “chiếc Lexus” có sức tàn phá ghê gớm đủ để xéo nát mọi “cây ô liu” nơi nó đi qua, làm tan hoang môi trường hoang sơ trước đó, đạp đổ mọi giá trị truyền thống. Nhưng công bằng mà nói thì toàn cầu hóa có nhiều khía cạnh làm “tăng cường sức mạnh cho những cộng đồng chính trị nhỏ nhoi và kém cỏi nhất, có thể tận dụng kỹ thuật mới và thị trường để “đi tắt đón đầu”, để bảo tồn những cây Ô liu, những giá trị văn hóa và bản sắc của mình”.

CHƯƠNG BỐN: “TOÀN CẦU HOÁ”

Chính vì toàn cầu hóa mang lại những cái được  vô cùng to lớn bên cạnh những cái mất nên sự chống đối yếu ớt dần, thay vào đó là những cánh cửa mở toang chào đón. Chương bốn tập trung nói về sự thắng thế của hệ thống toàn cầu hóa.

Mở màn bằng sự sụp đổ của bức tường Berlin, hàng loạt bức tường khác trên thế giới cũng rạn vỡ rồi đổ sập trước cơn lốc xoáy toàn cầu hóa. Không còn một thế giới bị chia cắt ngang dọc thành nhiều cánh đồng vụn vặt manh mún trong hệ thống chiến tranh Lạnh với tường Berlin, khối Vasava các hàng rào thuế quan chặt cứng, hay kiểm soát tài chính đến nghẹt thở. Thế giới ngày nay “tập hợp lại với nhau, xé bỏ ngăn cách tạo lập được một cánh đồng thẳng tắp” với ngày càng nhiều quốc gia hút vào cơn lốc xoáy toàn cầu hóa. Và cứ thế, không còn sự tồn tại của thế giới thứ nhất, thế giới thứ hai hay thứ ba nữa mà chỉ có sự hiện diện của thế giới phát triển nhanh và thế giới phát triển chậm - thế giới của những quốc gia gia nhập toàn cầu hóa và đại diện đứng ngoài vòng xoáy này. Và còn sự thay đổi nào trên thế giới này nữa? Chương này trình bày một cách chi tiết ba sự thay đổi lớn do hệ thống toàn cầu mang lại như sau:

+ Đầu tiên là dân chủ hóa trong công nghệ:

Dân chủ hóa trong công nghệ hiểu một cách nôm na là ngày càng có nhiều người dùng máy vi tính tại nhà, moderm, điện thoại di động, hệ thống viễn thông cáp và kết nối internet… Vậy chúng ta được lợi gì? Nhờ dân chủ hóa trong công nghệ mà liên lạc không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà vươn dài không biên giới với tốc độ nhanh và chi phí ngày càng trẻ. Hay nói một cách văn vẻ là mang dịch vụ ngân hàng, văn phòng, tòa báo, nhà xưởng, dịch vụ đầu tư, trường học… vào căn nhà chúng ta.

Vậy thì dân chủ hóa công nghệ mang lại gì cho các quốc gia? Thật không ngoa khi nói rằng chính dân chủ hóa công nghệ đã giúp Thái Lan, trong vòng 15 năm, từ một đất nước trồng lúa, thu nhập thấp trở thành quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về công nghệ sản xuất xe vận tải, cạnh tranh với Detroit, và là nước đứng thứ tư trên thế giới trong việc sản xuất xe gắn máy.

Và đồng thời dân chủ hóa công nghệ có nghĩa là tiềm năng làm giàu được san sẻ theo vị trí địa lý hay nói cách khác là sự phân công lao động quốc tế dựa trên thế mạnh của mỗi quốc gia. Dù quốc gia của bạn lớn hay bé, tôn giáo chính thống là gì, theo chế độ xã hội nào và dù ở đâu trên bản đồ thế giới cũng đều được tiếp cận với công nghệ và kiến thức. Ví dụ về linh kiện của chiếc Boing của Mỹ được sản xuất ở 70 quốc gia tại 1.100 xí nghiệp lớn và 15.000 xí nghiệp nhỏ trong bài  giới thiệu tác phẩm “hai chủ nghĩa một trăm năm” là ví dụ điển hình nhất về sự san sẻ này.

+ Thứ hai là dân chủ hóa tài chính:

Có thể nói rằng: Dân chủ hóa công nghệ đã tạo điều kiện thúc đẩy dân chủ hóa tài chính. Và nó thực sự bắt đầu từ năm 1960, khi thị trường “thương phiếu” ra đời phá vỡ thế độc quyền của các ngân hàng, thiết lập nên sự đa nguyên trong ngành tài chính. Tuy nhiên, thập niên 80 mới thực sự là thời kỳ của dân chủ tài chính với sự xuất hiện thị trường chứng khoán. Như thế, không như trước đây, chỉ những người giàu mới tham gia vào thị trường công trái, ngày nay bất cứ ai cũng có thể tham gia cuộc chơi. Lần lượt các nước phát triển đến các nước đang phát triển, các nước chậm phát triển cũng hòa mình vào xu thế dân chủ hóa nền tài chính, mở cửa cho các nhà tài chính nước ngoài. Và ngày nay, hồ như không còn ranh giới trong nền tài chính toàn cầu – tức là anh có nhiều sự lựa chọn hơn – muốn mua công trái của Pháp, Mỹ, Li Băng… tùy ý miễn là anh có tiền.

+Thứ ba là dân chủ hóa thông tin:

Thomas L.Freidman chỉ ra ba nhân tố chủ đạo trong dân chủ hóa thông tin là: công nghệ truyền hình cáp, viễn thông và internet. Nhờ có chúng mà ngày nay ta có thể nghe ngóng, nhìn ngắm, tương tác với thế giới xung quanh. Điều này kéo theo nhận thức của con người được nâng lên rõ rệt. Một khi được tiếp cận thông tin, các nhà lãnh đạo không thể tiếp tục bảo họ so sánh đời họ với đời cha ông họ, tự họ sẽ biết so sánh với các nước trong khu vực và cả trên thế giới. Điều gì xảy ra nếu họ thấy sự cách biệt khá xa? Họ sẽ đòi hỏi và các nhà cầm quyền phải tích cực hơn để thu hẹp khoảng cách. Điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận và đẩy nhanh toàn cầu hóa.

CHƯƠNG NĂM: “SUY GIẢM SỰ MIỄN DỊCH MICROCHIP”

Câu hỏi được đặt ra ở đây: phải chăng toàn cầu háo chỉ dành cho nước giàu, cho con người và xã hội phát triển? Cũng rất có lý vì còn tồn tại một con số không nhỏ những nơi hẻo lánh, xa xôi – những nơi dường như khoa học công nghệ hầu như không chạm tới được. Trong lòng nước Mỹ cũng còn tồn tại một Virginia toàn làng mạc, vùng núi kia mà. Nhưng điều đó đâu có nghĩa là nó không nằm trong toàn cầu hóa. Có thể khẳng định một điều rằng: “Toàn cầu hóa đã thực sự hình thành trên toàn cầu” cho dù là một nơi heo hút nhất. Đúng như thế bởi vì bất cứ ai, bất  cứ nơi nào cũng cảm nhận được toàn cầu háo, cũng chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp từ nó. Cụ thể là những áp lực và cả những cơ hội để áp dụng dân chủ hóa công nghệ, tài chính, thông tin.

Cứ như thế, toàn cầu hóa lan truyền khắp hành tinh như một cơn đại dịch – Thomas L.Freidman gọi đây là: “Hội chứng suy giảm hệ miễn dịch Microchip”. Trong đó, Microchip để chỉ những bộ vi xử lý, những vi mạch. Căn bệnh này xuất hiện và làm suy kiệt thậm chí giết chết một công ty hay quốc gia khi không còn khả năng tăng năng suất, lương, điều kiện sống, tính cạnh tranh; không còn khả năng bắt nhịp với sự tiến bộ khoa học công nghệ.. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, cái thế giới mà ai ai cũng giống nhau, nên “chậm chậm một chút, thiếu nhạy bén một chút cũng không sao”. Còn bây giờ thì sao? Chậm đồng nghĩa với mất cơ hội nếu không muốn nói là chết. Cùng  một lĩnh vực nhưng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Ngay cả trong khu vực công cũng vậy – quyền lực được chia sẻ cho địa phương nhiều hơn, nền hành chính truyền thống tức là cai quản thuần túy chuyển sang nền hành chính phục vụ.

Trong phần này cũng dành phần lớn số trang để đề cập đến vai trò kiểm định hiệu quả của thị trường, vai trò của internet, đặc biệt là thương mại điện tử.

CHƯƠNG SÁU: “CHIẾC ÁO NỊT VÀNG”

Chiếc áo nịt vàng biểu hiện cho thị trường tự do của nền kinh tế toàn cầu. Tùy theo đặc điểm kinh tế, chính trị của từng quốc gia mà có cách thức khác nhau, tốc độ khác nhau nhưng phải trên một con đường duy nhất đó là: thị trường tự do. Tác giả khẳng định: “Toàn cầu hóa có chiếc áo nịt vàng. Nếu đất nước của bạn chưa có thì trước sau gì cũng sẽ phải may”. Hai nước đi tiên phong trong việc thả nổi thị trường là Anh, Mỹ vào những năm cuối thập niên 70, và đầu thập niên 80. Theo các đồng chí thì nước ta đã có chiếc áo nịt vàng này chưa? Rõ ràng nó đã được đặt may từ trước, cho đến Đại hội Đảng lần thứ VI thì được nước ta chính thức khoác lên mình. Và như tôi đã nói ở trên, với điều kiện Việt Nam thì chiếc áo này có gắn nhãn: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Chương này cũng chỉ ra điều kiện cần để mang được chiếc áo nịt vàng này là: tăng cường khu vực tư nhân thành đầu tàu để tăng trưởng kinh tế, duy trì mức lạm phát thấp, duy trì giá cả ổn định và giảm biên chế, giảm nhẹ bộ máy quan liêu của nhà nước, cần đối ngân sách dẫu không duy trì được thặng dư, thủ tiêu hoặc giảm hàng rào nhập khẩu, bỏ bớt hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, bỏ chế độ quota và độc quyền của các ngành nội địa, tăng xuất khẩu, tư nhân hóa khu vực kinh doanh của nhà nước, thả nổi thị trường tài chính, khiến đồng nội tệ được phép hoán chuyển thành ngoại tệ, mở cửa các ngành công nghiệp, thị trường chứng khoán và cổ phần cho nước ngoài sở hữu và đầu tư trực tiếp, thả nổi kinh tế nội địa cho phép cạnh tranh, xóa bỏ tham nhũng, móc ngoặc và bao cấp trong chính phủ, mở cửa hệ thống thông tin và ngân hàng cho khu vực tư nhân vào cạnh tranh và cho phép dân chúng của họ được tự do đầu tư với đồng tiền hưu bổng của họ ở trong nước cũng như ngoài nước. Điều này đồng nghĩa với quyền tự quyết, hoạch định chính sách của các quốc gia bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Bằng chứng là “trong một thế giới mà tiền vốn lưu hành rộng rãi trên phạm vi quốc tế thì bạn không thể quyết định mức thuế một cách riêng rẽ, khác biệt với mức thuế của các nước khác. Và một khi nhân công cũng trở nên di động trên phạm vi toàn cầu thì bạn không thể tự quyết riêng rẽ về mức lương và thưởng của họ”. Hay nói trắng ra, toàn cầu hóa đã giảm khả năng tự quyết của các chính phủ.

Thomas L. Freidman cũng phản ánh thực trạng mỗi nước mặc chiếc áo nịt vàng theo cách của họ: Có nước mặc nửa chừng như Ấn Độ, Ai Cập. Đức, Nhật Bản và Pháp thì cởi bớt một số nút… Còn Việt Nam và Trung Quốc thì như ta thấy, “design” lại cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, giữa lòng 3 trào lưu dân chủ hóa – một lực lượng mới được hình thành – Thomas  L.Freidman gọi bằng một danh từ vô cùng ấn tượng: “bầy thú điện tử”. Đích xác để chỉ những tập đoàn xuyên quốc gia, những người môi giới và buôn bán chứng khoán, cổ phiếu và tiền tệ. Vậy có những người mối liên hệ nào giữa chiếc áo nịt vàng và bầy thú điện tử? Chiếc áo nịt vàng tạo điều kiện, thúc đẩy bầy thú này phát triển. Chính vì thế, chúng rất khoái chiếc áo nịt vàng. Và quốc gia nào tự giác khoác lên mình chiếc áo này thì bầy thú sẽ rót cho những khoản đầu tư lớn, ngược lại thì bị bầy thú này tránh xa, không tiếp cận được với nguồn vốn này.

CHƯƠNG BẢY: “BẦY THÚ ĐIỆN TỬ”

          Tác giả dành hẳn một chương để tập trung nói về sức mạnh của bầy thú điện tử. Tôi xin phép được tiếp tục với chương VII với đề tựa: “Bầy thú điện tử”.

          Ngay từ những dòng đầu, chương này đã đề cập đến tầm quan trọng của bầy thú điện tử. Rằng: các quốc gia sẽ không thể tăng trưởng nếu không nhờ cậy đến bầy thú này. Và cũng không quên cảnh báo sự nguy hiểm, những “cú sốc” cho những nơi mà bầy thú này ghé qua. Giống như điện cao thế nối vào các căn hộ vậy – rất cần thiết, nhưng phải có cầu chì đề phòng sự thay đổi đột ngột về điện thế - nếu không, chẳng ai lường hết được hậu quả. Rõ rang chúng là nguồn tài lực vô cùng hấp dẫn đối với các quốc gia và đồng thời cũng là mối đe dọa khủng khiếp tới nỗi có thể lật đổ các Chính phủ: Chúng sẵn sàng rót ào ạt hàng tỷ đô la vào những nơi mà chúng viếng thăm – giúp nơi đó thịnh vượng và ổn định hơn. Ngược lại, nếu tình hình có vài dấu hiệu bất ổn thì chính bầy thú là tác nhân làm tình hình tồi tệ bằng cách rút tháo vốn ra khỏi thị trường này.

PHẦN II

“KẾT NỐI VÀO HỆ THỐNG”

CHƯƠNG TÁM: “HỆ ĐIỀU HÀNH DOSCAPITAL 6.0”

          Trong phần này, tác giả mượn hình tượng ba bộ phận chính của máy tính để lột tả mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và các quốc gia. Cụ thể như sau: Phần cứng đại diện cho chiếc “vỏ bọc” bên ngoài nền kinh tế: kinh tế thị trường, hay kinh tế kế hoạch hóa tập trung… Hệ điều hành tượng trưng cho chính sách vĩ mô. Căn cứ vào mức độ thả nổi thị trường – mức độ can thiệp của Chính phủ mà Thomas xem đó là hệ điều hành DosCapital 1.0 hay 4.0, 5.0, 6.0. Càng về sau thì các phiên bản đã được cải tiến, nâng cấp và dĩ nhiên là chất lượng cao hơn trước. Còn phần mềm thì đại diện cho hành lang pháp lý. Rất dễ dàng khi kết nối “phần cứng” với bầy thú điện tử, nhưng điều quan trọng là các quốc gia liệu đã cải tiến hệ điều hành và phần mềm cho tương thích hay chưa?! Không đâu xa, chính Việt Nam cũng đã chịu nhiều vết sẹo lớn khi đón bầy thú điện tử mà chưa có hành lang pháp lý đầy đủ: điển hình nhất là việc liên doanh với tập đoàn Cocacola. Như vậy, điều cần thiết nhất với các quốc gia để tồn tại và phát triển trong hệ thống toàn cầu hóa ngày nay là giảm kích thước của bộ máy nhà nước bằng việc thả nổi và tư nhân hóa ngành công nghiệp quốc doanh, nhưng phải đảm bảo sức mạnh và trong sạch để đảm bảo một sân chơi công bằng. Ở Việt Nam, đã bắt đầu thí điểm cổ phần hóa vào năm 1992, và đến nay, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) có hơn 4.500 DNNN được cổ phần hóa. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng: hiện nay chính quyền vẫn còn làm kinh tế. Đây là lý do dù đã gia nhập WTO nhưng nước ta chưa được các thành viên khác công nhận có nền kinh tế thị trường đầy đủ - chỉ là thành viên hạng hai – chịu nhiều phân biệt đối xử.

CHƯƠNG CHÍN, CHƯƠNG MƯỜI: “CUỘC CÁCH MẠNG TỪ PHÍA TRÊN”

          Hai chương này đề cập đến cuộc cách mạng toàn cầu và cái cách mà bầy thú điện tử thiết lập nó.

          Bầy thú điện tử bằng cách này hay cách khác sẽ giúp thiết lập một nền dân chủ ở những nơi mà chúng đi qua. Thomas gọi là “cuộc cách mạng từ phía trên” hay “cuộc cách mạng toàn cầu”. Ở đây không hề có cuộc nổi loạn đạp đổ Chính phủ như chúng ta đã từng chứng kiến trong các cuộc cách mạng từ phía dưới, mà chính thị trường toàn cầu sẽ áp đặt những quy tắc, luật lệ của cuộc chơi lớn. Tuy vậy, bầy thú điện tử và các siêu thị tài chính chỉ mới là điều kiện cần; để một nền dân chủ tự do ra đời thì điều kiện đủ lần lượt là: các tổ chức kinh tế - chính trị, các tổ chức phi Chính phủ… phải theo dõi, thúc đẩy nhân quyền và đưa ra các sang kiến dân chủ hóa kinh tế, quá trình toàn cầu hóa thông tin làm cho người dân nhận thức được mức sống của đồng loại, sự tham gia hoạch định chính sách của các tầng lớp trong xã hội. Cũng phải thừa nhận rằng, chỉ có bầy thú điện tử mới có thể can thiệp sâu vào Chính phủ các nước, trong khi Chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế không làm được điều này.

          Vậy thế nào là nền dân chủ trong hệ thống toàn cầu hóa và vai trò bầy thú trong việc thiết lập các thành phần này?

          Nền dân chủ thực sự phải hội đủ các yếu tố sau đây: tính minh bạch, tuân thủ hệ thống chuẩn mực quốc tế, khống chế được tệ tham nhũng, đảm bảo tự do báo chí, tạo điều kiện cho thị trường thương phiếu, cổ phiếu phát triển,…

          Tôi lựa chọn giới thiệu hai yếu tố tâm đắc nhất: tính minh bạch và kiềm tỏa nạn tham nhũng.

          Ngày nay, để tồn tại trong hệ thống toàn cầu hóa thì tính minh bạch rất được coi trọng nếu không muốn nói là tất cả. Như các đồng chí thấy đó, một trong những nguyên tắc cơ bản của WTO là minh bạch pháp luật thương mại. Bầy thú điện tử sẽ không đến kiếm ăn ở nơi àm chúng cảm thấy tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Với công thức: Minh bạch = vốn này bầy thú điện tử đã thúc ép các quốc gia nâng cao tính minh bạch. Thật đáng mừng là môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm trước, thay thế Trung Quốc giữ vị trí thứ 11 trong khu vực. Được như vậy là nhờ vào kết quả cải cách hành chính – đặc biệt là về thủ tục góp phần minh bạch thông tin. Tuy nhiên cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam chỉ mới dừng lại ở việc công khai thông tin chứ chưa mở rộng phản biện thông tin về phía doanh nghiệp, người dân.

          Về khả năng hạn chế tham nhũng: Toàn cầu hóa đã và đang như một lưới lọc giúp các quốc gia giảm thiểu tham nhũng. Trong các buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, thì tình trạng được phản ánh nhiều nhất là “chi phí bôi trơn” cho các dự án. Như vậy “chi phí bôi trơn”, chi phí “mềm” hay những khoản “tiền lót tay” là thứ mà bầy thú điện tử rất dị ứng. Bầy thú chẳng dại gì đầu tư vào nước X, nơi mà phải đút lót mới được việc, toàn cầu hóa mở ra rất nhiều sự chọn lựa, có thể là nước Y, Z, L… với chi phí tương tự mà không phải tốn khoản này. Ngay cả trong phạm vi một nước, địa phương nào hạn chế được tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu thì thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Điển hình như thành phố Đà Nẵng, đã nhiều năm liền giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Ngoài những chính sách hấp dẫn thì việc cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công điện tử… đã góp phần minh bạch hóa, từ đó hạn chế bớt tình trạng nhũng nhiễu. Vì xét cho cùng, do quy định pháp lý thiếu minh bạch về quy trình, thủ tục tạo “cửa” cho công chức hành chính nhũng nhiễu và buộc doanh nghiệp và người dân phải “chạy cửa sau”. Nhờ vậy mà trong năm 2010, Đà Nẵng thu hút 2,72 tỷ USD; trong tổng số 18,59 tỷ USD cả nước. Lũy kế từ năm 2017 đến nay, Đà Nẵng có 546 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD.

Đó cũng là cách bầy thú điện tử gián tiếp làm giảm tham nhũng.

CHƯƠNG XI: “MUA ĐÀI LOAN, GIỮ Ý, BÁN PHÁP”

          Ngoài kết nối mạng, trở thành nhân tố tạo lập hay thích nghi thì còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sức mạnh của các quốc gia trong hệ thống toàn cầu hóa. Cụ thể là tốc độ phát triển, khả năng thu nhận kiến thức, trọng lượng, sự mở cửa, khả năng tự cởi trói nội bộ, mở rộng bạn bè, mức độ thành công của thương hiệu. Trong này có một tiêu chí mà Việt Nam trước đây có phần xem nhẹ, nhưng hiện nay rất coi trọng đó là thương hiệu nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Có lẽ đến năm 1995, khi Unilever định giá 5 triệu USD mua lại thương hiệu P/S trong khi tổng giá trị thực chỉ độ khoảng 1 triệu USD, thì các doanh nghiệp Việt Nam mới ý thức về giá trị, tầm quan trọng của thương hiệu. Và chắc chắn các nhà lãnh đạo và giới doanh nhân Việt Nam sẽ phải có động thái tích cực hơn để hạn chế tình trạng gạo Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản lượng xuất khẩu, nhưng giá gạo xuất khẩu thấp nhất nhất vì không có thương hiệu. Và từ những thương hiệu này sẽ làm nên thương hiệu có tầm lớn hơn: đó là thương hiệu quốc gia.

CHƯƠNG XII: “LÝ THUYẾT VỀ VÒNG CUNG VÀNG NGĂN NGỪA XUNG ĐỘT”

          Nội dung của thuyết này nói nôm na là hai đất nước có tiệm MC’Donal thì không bao giờ xảy ra chiến tranh. Nghe thì hơi phi lý một chút nhưng trên thực tế là hoàn toàn đúng. Vì hai quốc gia có sự giao thương với nhau sẽ lệ thuộc lẫn nhau, và sẽ là điên rồ nếu hai quốc gia này quay ra đánh nhau khi cả hai đều phải chịu mất mát.

CHƯƠNG XIII: “NGƯỜI HỦY DIỆT”

          Chương này đề cập những mặt trái của toàn cầu hóa. Ở đây tôi giới thiệu hai tác động tiêu cực rõ nhất, dễ thấy nhất:

          - Đầu tiên là sức tàn phá khủng khiếp của toàn cầu hóa đối với văn hóa và môi trường. Đơn cử như sự đa dạng môi sinh và văn hóa được hình thành qua hàng triệu triệu năm tiến hóa của loài người và sinh vật nhưng toàn cầu hóa xóa sạch nó chỉ trong vòng vài thập niên. Như vậy, rõ ràng các quốc gia phải xây dựng sẵn một hệ thống lọc để bảo lưu, giữ gìn những giá trị này nếu không muốn lâm vào tình trạng: nói đến văn hóa là nói đến những gì na ná nhau vì bị đồng hóa.

          - Thứ hai là vấn nạn kẹt xe. Điển hình của kẹt xe phải kể thủ phủ Băng Cốc của Thái Lan. Đến nỗi là người dân ở đây không bao giờ mời khách đến nhà ăn tối, vì họ không biết là khách sẽ đến muộn tới cỡ nào. Tất cả là do phát triển quá nhanh, ồ ạt trong khi thiếu quy hoạch tổng thể mang tính đón đầu. Cụ thể ở đây là mở mang đường sá nhưng lại trắng về đường ngầm, cầu vượt, làn đường dành riêng cho ô tô… Điều này cũng không xa lạ gì với Việt Nam; theo thống kê, mỗi năm thành phố Hồ Chí Minh thiệt hại đến 14.000 tỷ đồng vì nạn kẹt xe.

CHƯƠNG XIV: “ĐƯỢC ĂN CẢ, NGÃ VỀ KHÔNG”

Trong chương này, tác giả đã đề cập đến tác động tiêu cực thứ ba hết sức nặng nề đó là: hố sâu ngăn cách giàu nghèo trong bộ phận dân cư nói riêng và giữa các quốc gia ngày càng được toàn cầu hóa đào sâu thêm bằng nguyên lý khốc liệt: “được ăn cả ngã về không”. Rõ ràng, toàn cầu hóa cũng có “vai trò” quan trọng trong việc mở rộng sự thiếu công bằng. Trong cuộc chiến về kinh tế, kẻ thắng cuộc kiếm được rất nhiều tiền và những người thiếu kỹ năng thì cũng tự đào mồ chon mình rất nhanh.

PHẦN III

“CHỐNG ĐỐI TOÀN CẦU HÓA”

          Sự chống đối toàn cầu hóa xuất phát từ nhiều nguyên do. Những hạn chế nói trên của toàn cầu hóa cũng là một yếu tố. Ngoài ra còn có những lo ngại đến từ tâm lý không thích chiếc áo nịt vàng vì nó chỉ có một cỡ, sự lo sợ mất việc làm vì nó dần dịch chuyển sang những nước có giá nhân công rẻ mạt… Chương này nêu ra một số điển hình về sự chống đối toàn cầu hóa. Cụ thể: Đó là bộ phận không bắt kịp “thế giới đi nhanh” trong toàn cầu hóa. Họ không thể kiếm sống bằng internet, nhưng cũng chẳng thể tiếp tục với nghề cũ vì chúng đã lỗi thời.

          Họ là những người làm công không được đoái hoài đến vì không có trình độ, thiếu kỹ năng hay bộ phận người bị sa thải vì công việc của họ đã có người máy làm thay…

          Cũng có thể đó là nhóm người không muốn buông quyền lực trong tay vào khu tư nhân nên chống đối toàn cầu hóa.

          Hoặc giả là một số quốc gia đã hăm hở tham gia toàn cầu hóa nhưng bị “giày vò” nên kinh sợ, tìm mọi cách để cách li với toàn cầu hóa…

          Tuy vậy, cũng có một bộ phận không nhỏ - tác giả dung từ: “chống đối lại chống đối” tức là hưởng ứng toàn cầu hóa. Tác giả lấy một ví dụ về Việt Nam – đó là hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé trong lòng thủ đô Hà Nội tìm kế sinh nhai bằng một cái cân. Đó cũng là cách hưởng ứng toàn cầu hóa của những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội. Biết đâu đấy, họ đang trong tiến trình “đổi dép guốc để lấy xe đạp, đổi xe đạp sang xe máy, đổi xe máy lấy xe hơi Honda Civic, đổi Civic lấy Camry và thỉnh thoảng có người thậm chí đổi được Camry để lấy xe Lexus”. Như vậy, toàn cầu hóa thực sự bắt nguồn từ tầng lớp địa phương, từ chính trong suy nghĩ của mỗi người nên nó có sức mạnh vượt qua mọi sự ngăn cản, chống đối để lan tỏa mạnh mẽ hơn. Có lẽ không công bằng khi nói toàn cầu hóa chỉ làm cho hố sâu ngăn cách giàu nghèo rộng và sâu hơn. Đúng là như vậy, mức đói nghèo tương đối đang dâng lên ở nhiều nước, nhưng mức đói nghèo tuyệt đối lại đang giảm đi ở nhiều nơi thể hiện ở việc chuẩn nghèo ngày càng được nâng lên. Rõ ràng các quốc gia thu lợi rất nhiều từ toàn cầu hóa – và Việt Nam cũng vậy.

          Toàn cầu hóa – internet góp phần mở rộng tự do ngôn luận và sự minh bạch trong Chính phủ.

          Vậy, thế giới hiện nay có nhiều lực lượng chống đối toàn cầu hóa, bên cạnh đó cũng có rất nhiều giai tầng ủng hộ nó hết mình vì họ nhận thức được đây là con đường duy nhất để phát triển, để có được một cuộc sống khấm khá hơn.

PHẦN BỐN

  “HOA KỲ VÀ TOÀN CẦU HÓA”

          Phần này làm rõ vị trí của Hoa Kỳ trong hệ thống toàn cầu hóa, giới thiệu luận thuyết “năm cây xăng” và cách hưởng ứng toàn cầu hóa sao cho ít tổn thương nhất.

1. Vị trí của Hoa Kỳ

          Rõ ràng, trong hệ thống toàn cầu hóa, Hoa Kỳ là một quốc gia có khả năng cạnh tranh tốt nhất. Hoa kỳ hội đủ các yếu tố sau:

          Hoa Kỳ là đất nước có nhiều tài sản và ít nợ nần nhất trong hệ thống các nước lớn.

          Hoa Kỳ là quốc gia “chịu chi” cho các sáng kiến mới một cách nhanh chóng và mạnh tay.

          Ngoài yếu tố hữu hiệu thì thị trường vốn Hoa Kỳ có thể nói là minh bạch nhất thế giới.

          Hoa Kỳ có môi trường pháp lý tương đối hoàn hảo. Điều này đảm bảo sự công bằng, an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn trên đất nước này.

          Có quan niệm khá thoáng về phá sản, là mảnh đất thánh cho những ai vấp ngã muốn làm lại từ đầu.

          Là thung lũng cho dòng máu “chất xám” nhân loại đổ dồn về.

          Hoa Kỳ có thị trường lao động linh hoạt nhất thế giới. Tạo điều kiện cho sự luân chuyển lao động từ vùng này sang vùng khác, quan niệm khá thoải mái về sa thải và tuyển dụng nhân viên.

          Hoa Kỳ đã tạo lập được môi trường tốc độ nhanh, nhẹ, kết nối và giàu tri thức.

          Tất cả các điều này chứng tỏ Hoa Kỳ đã đi đầu trên tất cả các lĩnh vực thuộc toàn cầu hóa và nghiễm nhiên trở thành siêu cường trong hệ thống toàn cầu hóa. Tuy vậy, cũng cần phải thừa nhận rằng, trước đây, nhờ tác động của tiến bộ khoa học công nghệ mà Hoa Kỳ có được sự phát triển như vũ bão; ngày nay, khi mà khả năng làm chủ công nghệ được san sẻ tương đối đồng đều thì mức phát triển của Mỹ có phần bão hòa; các cường quốc mới nổi lên như Nhật Bản, Trung Quốc…

2. Một số quốc gia mới nổi

          Trong số này, Nhật Bản đã từng là một trong ứng viên xuất sắc tiếm ngôi Mỹ. Tác giả cũng rất khách quan khi nhận xét về Nhật Bản: “là chủ của nhiều ngành sản xuất rất hiệu quả, với mức tích lũy cao và một đội ngũ nhân lực rất cần mẫn”. Tuy nhiên, Nhật hiện nay còn rất nhiều điểm yếu, khả năng tiếm ngôi Mỹ rất khó thực hiện như lời Thomas nói: “Nhật Bản chưa thấy được ánh sáng cuối đường hầm, còn Hoa Kỳ thì chưa thấy được bờ vực để rơi”. Một ứng cử viên nặng ký nữa là Trung Quốc. Thời điểm tác giả viết cuốn sách này, ông đã “cảnh báo”: hôm nay người Trung Quốc rửa chén cho chúng ta, ngày nào đó họ thuê người Mỹ rửa chén cho họ. Và đến thời điểm này, điều đó sắp sửa trở thành hiện thực khi năm 2010, Trung Quốc chính thức trở thành nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Giới chuyên gia dự đoán, 20 năm nữa, Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ để tiếm ngôi siêu cường thế giới.

3. Luận thuyết “năm cây xăng”

          Tác giả quan niệm thế giới này chia thành 5 cây xăng – đại diện cho Nhật Bản, Mỹ, Tây Âu, các nước đang phát triển và cuối cùng là những nước có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp. Điểm khác biệt giữa những cây xăng này là gì: Trước hết là về giá cả: cây xăng Nhật Bản có giá 5 đô-la một gallon. Tương ứng, khách hàng được phục vụ vô cùng chu đáo: được bơm xăng, thay dầu, rửa kính xe, và cuối cùng là được vẫy chào lịch sự, khuyến mãi thêm những nụ cười khi khách hàng rời khỏi trạm xăng. Cây xăng ở Mỹ: giá xăng chỉ có 1 đô-la một gallon, nhưng khách hàng phải tự phục vụ: tự bơm lấy xăng, tự rửa kính xe, tự bơm lốp xe. Cây xăng ở Tây Âu cũng có giá là 5 đô-la một gallon. Điều đáng nói là chỉ có một nhân viên ra phục vụ. Còn thái độ phục vụ thì như Thomas miêu tả: “Anh ta miễn cưỡng bơm xăng cho bạn, phụng phịu thay dầu, không rửa kính xe. Anh ta chỉ làm có 35 giờ một tuần, mỗi ngày nghỉ trưa một tiếng rưỡi, trong thời gian đó, cây xăng sẽ đóng cửa không phục vụ”. Cây xăng tiếp theo ở một nước đang phát triển: Xăng có giá chỉ 35 xu đô-la một gallon vì được nhà nước trợ giá. Nhưng trong sáu vòi bơm chỉ thấy có một vòi hoạt động. Có 15 nhân viên phục vụ, có quan hệ họ hàng với nhau và không chuyên tâm khi làm việc. Sau cùng là cây xăng trong một nước có nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp. Giá xăng ở mức 50 xu đô-la một gallon – nhưng không có xăng trong téc – vì bốn nhân viên ở đó đã đem xăng bán ở chợ đen. Chỉ có một nhân viên có mặt làm việc, vì ba người kia đang làm nghề phụ ở đâu đó, và họ chỉ có mặt mỗi lần lĩnh lương. Như thế, người Mỹ muốn trả tự do cho thị trường và quan niệm rằng Nhà nước đứng ngoài thị trường; còn châu Âu và Nhật Bản tin vào việc Nhà nước có quyền kiểm soát dân chúng và thị trường sẽ tốt hơn. Chính những điểm khác biệt này mà cây xăng của họ có cách tổ chức khác nhau.

Cụ thể: Cây xăng ở Tây Âu tìm cách giảm thiểu nhân công, trả lương cao, đồng thời thu thuế cao để trợ cấp thất nghiệp và làm từ thiện. Ở Nhật thì trả lương ít đi, nhưng đảm bảo biên chế suốt đời và bảo hộ bằng cách hạn chế đối tác nước ngoài vào làm ăn ở Nhật. Còn ở Mỹ, cây xăng chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là cung cấp xăng với giá thấp nhất, không có nhân viên phục vụ càng tốt. Như thế quả đúng là lạnh lùng, nhưng rõ ràng là hiệu quả.

          Vai trò của Hoa Kỳ trong toàn cầu hóa được thể hiện rõ qua: ba cuộc dân chủ hóa đều trưởng thành ở Mỹ, còn chiếc áo nạm vàng thì được thêu dệt ở Mỹ và Anh. Ngày nay không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc muốn đánh rơi thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Gạt qua những vướng mắc về chính sách tiền tệ, bất đồng quan điểm về vấn đề Triều Tiên, chuyến công du của Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào trung tuần tháng 1 vừa qua là một minh chứng.

          Tuy nhiên, cũng phải nói rằng Hoa Kỳ là hiện thân của chủ nghĩa thực dụng lạnh lẽo. Hoa Kỳ cứ mãi rêu rao về nhân quyền nhưng lại áp đặt lệnh cấm vận lên Iraq, Cu Ba mấy chục năm không chịu dỡ bỏ; lên án khủng bố, giết chóc dân thường nhưng bản thân lại đi đầu trong giết người vô tội khi rải 100 triệu lít chất độc màu da cam lên đất nước Việt Nam; với việc thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagashaki đã lần đầu tiên gieo mầm khủng bố trên thế giới.

4. Những hệ luỵ

          Cũng chính sự kết nối chặt chẽ trong hệ thống toàn cầu hóa đôi khi cũng nảy sinh nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, phố Wall sụp đổ chỉ vì một lỗi trong việc nhập dữ liệu máy tính. Và con người trở nên cô đơn bởi vì càng kết nối thì càng có điều kiện làm việc độc lập, ở bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu. Và một tình trạng cần đề cập nữa là bị can thiệp quá sâu vào đời tư. Rõ nhất là hàng ngày, ở Việt Nam tôi vẫn cập nhật được tin tức của một người nổi tiếng ở tận trời Tây. Tuy vậy, để cải thiện đời sống, tăng thu nhập thì chỉ có một con đường là thúc đẩy toàn cầu hóa. Câu hỏi đặt ra ở đây là: “tìm cho ra điểm phân cách, giữ cho sự cân đối giữa hội nhập và phúc lợi xã hội trong hệ thống toàn cầu hóa ngày nay”. Cụ thể, Thomas khuyến nghị:

5. Một số giải pháp

          Trước hết cần có một nền kinh tế thị trường tự do, cởi mở và điều này đồng nghĩa với Chính phủ đứng ngoài lề và vỗ tay động viên công dân trở thành ông bà chủ. Tuy vậy, riêng tôi lại có ý nghĩ khác, việc Mỹ bơm hàng tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế đã cho thấy rằng Chính phủ Mỹ không chịu ngồi ngoài cuộc chơi. Chính phủ phải vươn tay chạm đến những lĩnh vực, những tầng lớp xã hội mà tư nhân không muốn hoặc không đủ sức đáp ứng.

          Thứ hai là cần cung cấp một nền tảng tri thức vững chắc cho công dân. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay thì chỉ có học hành, được đào tạo bài bản mới giữ được việc làm.

          Và dĩ nhiên là không thể thiếu yếu tố thứ ba – mạng lưới phúc lợi xã hội. Đây được coi là cứu cánh cuối cùng cho những người không theo kịp “thế giới đi nhanh”, bị toàn cầu hóa “bỏ rơi”.

4. LỜI KẾT

          Ngày nay, công nghệ thông tin mà đại diện tiêu biểu là Internet có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn. Sự kiện Wikileaks phơi bày những thông tin tuyệt mật đã chính thức đánh dấu việc thế giới ảo “bước xuống đường trò chuyện với người thật”. Quan trọng là vậy, nhưng giữ cân bằng giữa chiếc Lexus và cây ô liu còn quan trọng hơn. Bởi vì có thể bạn tìm thấy mọi thứ trên Google, gặp gỡ một người bên kia bán cầu qua “chat room”; nhưng chẳng ai giữ mối liên hệ bền chặt qua không gian ảo? Không có điều gì trong toàn cầu hóa – chiếc Luxus hay Internet lại có thể xóa đi sự cần thiết của lý tưởng và luân thường đạo lý trong hành vi con người. Càng lệ thuộc vào kỹ thuật mới, chúng ta càng phải được trang bị kỹ càng các lý tưởng và đạo đức. Chính vậy, vai trò của tôn giáo, của nền giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa càng trở nên quan trọng trong thời đại ngày nay./.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: