Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.794.047
Hôm qua:1.221
Hôm nay:325

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

“Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa đức và tài của người cán bộ, đảng viên và việc vận dụng tư tưởng đó trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức Trường chính trị thành phố Đà Nẵng”

13:42 | 20/04/2018 3294

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò động lực phát triển xã hội của con người và dù trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hay trong cách mạng xã hội chủ nghĩa thì yếu tố con người cũng luôn được Người đề cao. Đặc biệt trong xây dựng xã hội mới, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[1], trong đó đội ngũ cán bộ có vị trí, vai trò quan trọng: “Cán bộ là gốc của công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Xuất phát từ vị trí, vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu: người cán bộ cách mạng phải hội đủ những phẩm chất cần thiết, đó là những con người vừa “hồng” vừa “chuyên”, vừa có đức vừa có tài hay vừa có phẩm chất chính trị vừa có trình độ chuyên môn và phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.

Về phẩm chất chính trị, theo Hồ Chí Minh thì đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng, là nội dung quan trọng của phẩm chất chính trị: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn, phải có chính trị trước rồi có chuyên môn… Chính trị là đức, chuyên môn là tài”[2] và có đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và có tinh thần quốc tế trong sáng.

Về trình độ chuyên môn, Hồ Chí Minh xem đạo đức là gốc của người cán bộ cách mạng nhưng Người vẫn không xem nhẹ tài năng. Tài năng ở đây thể hiện ở năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, làm chủ tri thức khoa học, có khả năng nhận thức đúng các vấn đề, hiểu thấu đáo nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn, phải có năng lực hoạt động thực tiễn, có khả năng thực hành hiệu quả các công việc được giao. Quý trọng hiền tài, “chiêu hiền đãi sĩ” được thể hiện không chỉ trong tư tưởng mà trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Người. Tài năng không tự dưng mà có vì vậy, Người đã yêu cầu cán bộ phải không ngừng học tập, rèn luyện theo lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi” và chính Người cũng là tấm gương sáng tự học, tự rèn luyện lý luận cũng như hoạt động thực tiễn hết sức sôi nổi và đã thành công.

Trong mối quan hệ giữa đức và tài, phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn thì cái đức, phẩm chất chính trị là gốc, có ý nghĩa quyết định thái độ, lập trường tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng mà người cán bộ cách mạng phấn đấu và trong cái đức đã có cái tài, đấy là cơ sở chắc chắn để cái tài nảy nở. Khi người cán bộ có đức thì sẽ luôn tự ý thức, tự đòi hỏi và không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cái đức đẹp đẽ, thiêng liêng nhất đối với người cán bộ cách mạng đó chính là lòng yêu nước, thương, trở thành động lực sâu sa nhất, thôi thúc người cán bộ cách mạng cống hiến và hi sinh và chính cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh, của hàng vạn, hàng triệu người cán bộ cách mạng chân chính của Việt Nam trong lịch sử là những minh chứng hùng hồn nhất. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7-5-1958, Hồ Chí Minh dặn dò: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”[3]. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đúc kết, chỉ ra con đường cơ bản để hình thành và phát triển phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn ở người cán bộ cách mạng là phải thông qua 3 con đường: hoạt động thực tiễn, thông qua giáo dục, đào tạo và sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng và vươn lên của mỗi cá nhân.

 Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta thì vấn đề con người, phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế - xã hội luôn được quan tâm, đề cao. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức của nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới, hơn lúc nào hết đòi hỏi đất nước ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” để có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, trên thực tế không phải mọi cấp, mọi ngành, mọi lúc, mọi nơi, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể đều đạt kết quả như mong muốn, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng.

Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính theo quy định và hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đối với nhà trường, trong thời gian qua đã có những quyết tâm, nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng cơ bản nhiệm vụ chính trị được giao. Về phẩm chất chính trị, hầu hết cán bộ, giảng viên của nhà trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; có đạo đức cách mạng trong sáng, có lối sống trong sạch, giản dị, gần gũi; luôn có tinh thần đoàn kết, thống nhất; thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình; có ý thức tự trọng và tinh thần cầu tiến, tâm huyết với nghề và được tôn trọng trong các mối quan hệ xã hội với đồng chí, đồng nghiệp, trong gia đình và nơi cư trú. Về trình độ, năng lực chuyên môn, phần lớn cán bộ, giảng viên được đào tạo cơ bản, có trình độ đại học, cơ bản có trình độ thạc sĩ, 02 trường hợp tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh. Cơ cấu và số lượng cán bộ, giảng viên so với biên chế tương đối hợp lý; từng bước đa dạng hoá chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng; phương pháp dạy và học từng bước đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn; công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng, ngày càng phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ dạy và học của nhà trường; công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng được quan tâm và đặc biệt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức ở địa phương đã được nâng lên về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc, nhiệm vụ công tác ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh những mặt đạt được thì công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định: Về phẩm chất chính trị, một số ít cán bộ, giảng viên còn tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thiếu ý chí phấn đấu trong học tập và rèn luyện để không ngừng nâng lên về phầm chất đạo đức và năng lực nghiên cứu, giảng dạy; một số vi phạm về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, uy tín cán bộ, giảng viên bị ảnh hưởng. Những hạn chế trên do những nguyên nhân cơ bản sau: Nhà trường vẫn chưa có kế hoạch, biện pháp hiệu quả để bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên (Ví dụ: Theo Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 6/6/2011 của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn của giảng viên trường chính trị, trong đó giảng viên phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo quy định nhưng tiêu chuẩn này chưa được nhà trường đặt ra và có kế hoạch để đốc thúc, tạo điều kiện cho giảng viên đáp ứng tiêu chuẩn trên một cách nhanh nhất, thậm chí phải đáp ứng trước khi đứng lớp); chưa đặt ra quy chế chặt chẽ trong việc hoạt động, quản lý, đánh giá đối với cán bộ, giảng viên. Về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn trong quản lý, giảng dạy còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; một bộ phận giảng viên chưa thật sự tâm huyết với nghề thể hiện qua chất lượng bài giảng, tính gắn kết lý luận với thực tiễn còn hạn chế, tính hấp dẫn thông qua nghệ thuật diễn giảng chưa cao do giảng viên vẫn còn sử dụng phương pháp truyền thống, thuyết trình là chủ yếu; ý thức tự giác trong học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa cao, chưa trở thành nề nếp, thể hiện ở số bài nghiên cứu đăng báo và tạp chí của cán bộ, giảng viên rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế trên là do cán bộ, giảng viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản về nghiệp vụ quản lý, nghiệp vụ sư phạm; bản thân cán bộ, giảng viên chưa thất sự nỗ lực, phấn đấu rèn luyện không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ; nhà trường cũng chưa có hệ thống quy chế quy định cụ thể, hệ thống quy chế đảm bảo tính cập nhật, phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc, cũng như chưa có quy chế quản lý, đánh giá sâu sát hoạt động quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và giảng dạy đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Tóm lại, để có thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ đức, đủ tài, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo về chất lượng thì vấn đề đặt ra đối với nhà trường là trong thời gian tới là: Thứ nhất, đổi mới khâu tuyển dụng: xây dựng tiêu chí rõ ràng trong tuyển dụng cán bộ, giảng viên, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (bởi công tác tuyển dụng của nhà trường thời gian qua chưa được thông báo rộng rãi) để có thể thu hút mạnh mẽ hơn những đối tượng có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cao. Thứ hai, xây dựng và không ngừng hoàn thiện quy chế đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, giảng dạy… công khai, minh bạch đối với các hoạt động của nhà trường làm cơ sở pháp lý cần thiết cho sự hoạt động thông suốt, hiểu quả. Thứ ba, có kế hoạch, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thứ tư, nhà trường cần tạo môi trường làm việc tốt; đồng thời có cơ chế khuyến khích, động viên, khen thưởng cũng như ràng buộc cần thiết nhưng không quá khắt khe để cán bộ, giảng viên nhà trường yên tâm công tác không ngừng nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, tự học để nâng cao đạo đức, phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường và vì sự phát triển chung của thành phố.

Người viết: Trần Thị Hồng Hạnh

Khoa: Xây dựng Đảng

 

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.66.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.269.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr.399.

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: