Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.802.029
Hôm qua:1.127
Hôm nay:1.080

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

Một số vấn đề về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam

16:06 | 30/03/2018 851

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh chủ trương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm tới tùy thuộc vào kết quả thực hiện các đột phá chiến lược và các giải pháp cơ bản về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Một số tồn tại, hạn chế trong cơ chế vận hành

So với trước đây, mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta từ đổi mới (năm 1986) đến nay đã có những chuyển biến cơ bản với cách thức vận hành, những động lực, cấu trúc mới.

Động lực của tăng trưởng được tạo bởi các động lực bộ phận cho phép khai thác tốt tiềm năng của các thành phần kinh tế, từng bước chuyển dần theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cấu trúc kinh tế dịch chuyển tích cực, hiện đại và phù hợp với xu thế chung. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định hơn trên cơ sở tăng trưởng GDP và việc làm, lạm phát nhìn chung được kiểm soát. Các chính sách vĩ mô như chính sách tiền tệ, tài khóa và thương mại... đã trở thành yếu tố công cụ trong cơ chế vận hành mô hình tăng trưởng kinh tế và được sử dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế, bình ổn kinh tế vĩ mô.

Mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời gian qua còn tạo được cơ chế phân bổ và phân phối sản lượng tương đối phù hợp với trình độ phát triển, góp phần cải thiện và tạo bước tiến đáng kể về phát triển xã hội trên nhiều khía cạnh như thu nhập và mức sống cho các tầng lớp nhân dân; công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả khá bền vững...

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam những năm qua đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong cơ chế vận hành. Nghiêm trọng nhất là tình trạng thiếu linh hoạt và kém hiệu quả trong sự kết hợp giữa tổng cung và tổng cầu, khiến sản lượng luôn thấp hơn tiềm năng, không phát huy được hết các động lực. Tăng trưởng sản lượng thấp hơn tiềm năng, tính ổn định chưa cao trước những biến động kinh tế cả trong và ngoài nước.

Tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, quá coi trọng vai trò của khu vực kinh tế nhà nước vốn kém hiệu quả, trong khi lại chưa quan tâm đúng mức đến các động lực khác của nền kinh tế, như khoa học - công nghệ, nhu cầu của thị trường trong nước... Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào cấu trúc kinh tế thiên lệch về nguồn lực cho công nghiệp, dịch vụ, chưa chú trọng và đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn.

Điều đó đã tạo ra sự mất cân bằng và tiềm tàng bất ổn về kinh tế - xã hội. Những nhân tố gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô luôn tiềm ẩn do đầu tư quá cao so với khả năng tiết kiệm của nền kinh tế, thâm hụt ngân sách liên tục kéo dài càng khiến vay nợ đầu tư và thâm hụt tăng. Vấn đề bình ổn kinh tế vĩ mô vẫn luôn là thách thức...

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Mô hình tăng trưởng kinh tế gồm: tăng trưởng theo chiều rộng, theo chiều sâu và kết hợp chiều rộng với chiều sâu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, khó có sự phân biệt rõ ràng tăng trưởng theo chiều rộng và tăng trưởng theo chiều sâu, mà chúng thường xen kẽ, kết hợp trong một chừng mực nhất định.

Điều quan trọng hơn, cần chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh; kết hợp có hiệu quả hai loại tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh, chủ động hội nhập quốc tế.

Văn kiện Đại hội XII nêu rõ: “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hoà giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”

Định hướng mô hình tăng trưởng như Văn kiện Đại hội XII của Đảng là hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển của thời đại trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và đặc điểm nền kinh tế nước ta giai đoạn hiện nay.

Đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng này nhằm vừa thúc đẩy kinh tế phát triển có hiệu quả, tăng nhanh thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình; vừa giải quyết được vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tăng trưởng kinh tế có thể được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố. Tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế, mà một hay một số nhân tố này sẽ nổi lên trở thành nhân tố then chốt, hay còn gọi là động lực của tăng trưởng. Muốn thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải xác định những động lực tăng trưởng phù hợp cho từng thời kỳ.

Về nguồn lực tăng trưởng, Đại hội II xác định: “Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp”.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế có quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, bởi để thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng, phải cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm khắc phục những khuyết tật, những hạn chế nảy sinh trong quá trình tăng trưởng; đồng thời xây dựng một cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu của mô hình tăng trưởng.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là xác lập/định hướng, cách thức vận hành nền kinh tế để đạt các mục tiêu tăng trưởng, phát triển. Còn cơ cấu lại nền kinh tế là việc thực hiện hay hiện thực hóa cách thức vận hành nền kinh tế đã được lựa chọn. Trong điều kiện hiện nay, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế phải là quá trình hiện thực hiệu quả ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường.

Đây là những tư tưởng quan trọng nhất, cũng là những nét mới trong tư duy phát triển hiện đại. Cơ cấu lại nền kinh tế phải vừa khai thác lợi thế cạnh tranh hiện có, vừa tạo điều kiện để hình thành và xây dựng các lợi thế cạnh tranh trong tương lai ở một số ngành của nền kinh tế.

Về tái cơ cấu đầu tư công, công việc trước hết phải làm là cắt giảm số lượng vốn và số dự án đầu tư công; thực hiện phân bổ vốn cho những dự án quan trọng ưu tiên, chủ yếu trong phát triển hạ tầng.

Lựa chọn được dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao và tập trung vốn cho dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất; phải đổi mới được chế độ phân cấp đầu tư, nhất là trung ương - địa phương; hạn chế chạy theo số lượng đầu tư, số lượng dự án, ngăn chặn được “cơn khát đầu tư” như thời gian qua.

Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã và đang tập trung xử lý một số nội dung chính, gồm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém; xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu tổng thể, toàn diện cả hệ thống nói chung và từng tổ chức tín dụng nói riêng.

Trong khi đó, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tập trung vào các nhóm giải pháp: Xác lập và áp đặt đầy đủ nguyên tắc thị trường và chế độ chính sách cứng đối với DNNN, buộc các DNNN phải cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp ở khu vực khác; thiết lập, hoàn thiện khung quản trị theo thông lệ quốc tế phổ biến, nâng cao hiệu lực quản trị công ty đối với các doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu danh mục đầu tư, ngành nghề kinh doanh, cổ phần hóa; thu hẹp quy mô hoạt động của các DNNN để DNNN tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính…

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng;

2. Về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong văn kiện;

3. Đại hội XII của Đảng, http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/29169502-ve-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-co-cau-lai-nen-kinh-te-trong-van-kien-dai-hoi-xii-cua-dang.html;

4. Các website: dangcongsan.vn; tuyengiao.vn…

Th.S Nguyễn Nữ Đoàn Vy (sưu tầm)

Nguồn: Tạp chí Tài chính (31.5.2017)

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: