Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.790.163
Hôm qua:1.315
Hôm nay:1.268

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

10:58 | 26/06/2015 6507

Chính sách nhà ở và giải quyết việc làm

Với Chương trình mục tiêu “5 không”, “3 có”, trong đó mục tiêu “có nhà ở” và “có việc làm” là một trong những chương trình an sinh xã hội đặc trưng nhất, góp phần khẳng định thương hiệu Đà Nẵng những năm qua. Ðà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện để người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định và đã thực sự tạo ra bước đột phá trong việc triển khai xây dựng các chương trình nhà ở xã hội. Hiện toàn thành phố có 229 khối nhà ở xã hội với 16.281 căn hộ đã và đang được xây dựng. Trong đó, vốn ngân sách thực hiện 193 khối nhà với 10.304 căn hộ; các nhà đầu tư thực hiện 36 khối nhà với 5.977 căn hộ.

Giải quyết việc làm là vấn đề then chốt đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “có việc làm”, thành phố đã ban hành nhiều đề án, qui định liên quan đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động: đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012-2015; Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020…Thông qua việc triển khai thực hiện các chủ trương đó, giai đoạn 2010 -2014 có 91,29% trong số hơn 4.800 lao động nông thôn đã có việc làm sau học nghề; trong đó tỷ lệ lao động tự tạo việc làm là 70,47%; được các doanh nghiệp hoặc đơn vị tuyển dụng là 24,47%; 5,49% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và làm việc trong các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Theo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, năm 2014 thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu “có việc làm” và triển khai các đề án liên quan đến công tác lao động, việc làm… Đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm tại chỗ, tích cực tổ chức các hoạt động kết nối để giải quyết việc làm. Kết quả, năm 2014, Đà Nẵng đã giải quyết việc làm cho 31.150 lao động, đạt 100,48% so với kế hoạch năm, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 4,3%. Các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố đã đưa 130 người đi làm việc có thời gian ở nước ngoài. Tổ chức 34 phiên giao dịch việc làm với 1.748 đơn vị tham gia tuyển dụng lao động, số lượt lao động cần tuyển 35.531 lao động, có 10.726 lao động được giải quyết việc làm. Hiện nay, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: chú trọng phát triển các mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, lựa chọn các mô hình hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề thông qua các phiêu giao dịch việc làm định kì hay tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn để góp phần phát triển kinh tế và thực hiện an sinh xã hội.

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT)

Là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, do đó có thể nói không có BHXH thì không thể có một nền an sinh xã hội vững mạnh. Trong những năm qua, BHXH thành phố đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn một cách xuất sắc, đảm bảo ổn định và phát triển bền vững, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU và UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 8190/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Kết quả là đến cuối năm 2014, có 5.125 đơn vị với 193.813 lao động tham gia BHXH bắt buộc tăng gấp 2,5 lần so với năm 1995. Qua 5 năm thực hiện hai chế độ mới là BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hiện nay, toàn thành phố có 776 người tham gia BHXH tự nguyện và 176.876 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trong công tác BHYT và thực hiện lộ trình tiến đến BHYT toàn dân, tính đến cuối năm 2014, có 925.321 người tham gia các loại hình BHYT, chiếm tỷ lệ 92,5% dân số toàn thành phố (trong khi bình quân cả nước chiếm khoảng 71,4% dân số), tăng gần 700.000 người so với năm 2003 (thời điểm BHYT chuyển sang BHXH) và tăng 245.000 người so với năm 2009 (năm đầu thực hiện Luật BHYT).

Trong năm 2014, BHXH thành phố đã giải quyết 2.126 hồ sơ hưởng BHXH hàng tháng; xét duyệt 10.267 lượt hồ sơ hưởng trợ cấp một lần; 641 hồ sơ hưởng chế độ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1 lần, tuất 1 lần; tăng mới 9.730 người hưởng chế độ BHTN; thẩm định, xét duyệt 166.900 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe với tổng số tiền chi trả các chế độ là 3.245 tỷ đồng. Hiện nay, BHXH thành phố đang quản lý 40.218 người hưởng chế độ BHXH thường xuyên hàng tháng. Công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố được đảm bảo, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. Quỹ BHYT đã đem lại cho người tham gia, nhất là người có công cách mạng, hưu trí mất sức, học sinh sinh viên, người nghèo sự đảm bảo về mặt tài chính trong chi phí khám chữa bệnh, thật sự là cứu cánh đối với những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo mà bệnh nhân và gia đình khó có khả năng chi trả.

Chính sách giảm nghèo

Trong những năm qua thành phố Đà Nẵng rất quan tâm đến công tác giảm nghèo, nhờ sự chung tay của các nành, các cấp trong việc triển khai thực hiện các đề án giảm nghèo, đề án hỗ trợ hộ đặc biệt nghèo với các giải pháp cụ thể như cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ về y tế, khám chữa bệnh, hỗ trợ học bổng, trao tặng phương tiện sinh kế, xây dựng, sửa chữa nhà ở ...,kết quả đã có 1.284 hộ thoát nghèo theo chuẩn thành phố, trên địa bàn thành phố hiện không có hộ đói, tính đến năm 2014 số hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách là 26.297 hộ. Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, năm 2014, ngành đã giải quyết việc làm cho 31.150 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 4,3%. Toàn thành phố Đà Nẵng đã có hơn 8.500 hộ thoát nghèo, trong đó 1.575 hộ thoát khỏi hộ đặc biệt nghèo...

Chính sách trợ giúp xã hội

Trợ giúp xã hội là một trong những hợp phần quan trọng của hệ thống an sinh xã hội và là một tiêu chí được cộng đồng quốc tế sử dụng đánh giá tiến bộ và công bằng xã hội cùa một quốc gia. Trong những năm qua, công tác trợ giúp xã hội đã có những thành công nhất định về cơ chế, chính sách và kết quả hoạt động. Ngày 6 tháng 10 năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Đến nay, có 950 ngôi nhà của các hộ gia đình chính sách của thành phố đã được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới theo Đề án hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình có công với cách mạng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí khoảng 22,6 tỷ đồng. Hằng năm, tại Đà Nẵng có trên 20.000 đối tượng chính sách được thụ hưởng các chế độ ưu đãi của Trung ương và thành phố.

Nhìn chung, công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng những năm qua luôn được chú trọng nhằm phát triển kinh tế gắn với công bằng và thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bức tranh an sinh xã hội của thành phố vẫn còn một số điểm tối:

Thứ nhất, tỷ lệ dân tham gia BHXH chưa cao.

Thứ hai, chất lượng cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, đặc biệt là dịch vụ y tế chưa cao. Sự phân biệt đối xử giữa đối tượng hưởng BHYT và đối tượng khám theo dịch vụ dẫn đến chất lượng an sinh xã hội trong lĩnh vực BHYT bị suy giảm, lệch lạc.

Thứ ba, bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách việc làm, kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương hiệu quả còn thấp; công tác xuất khẩu lao động tuy có triển khai và phối hợp giữa các cơ quan hữu quan nhưng thực tế số lao động tham gia xuất khẩu lao động còn ít; một vài chính sách đối với người có công triển khai còn vướng mắc, khó thực hiện; số hộ cận nghèo và mới thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo cao…

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội,  công tác an sinh xã hội được đảm bảo, xứng đáng là trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thành phố Đà Nẵng cần tập trung thực hiện tốt một số công việc sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Công tác tuyên truyền phải làm cho người sử dụng lao động và NLĐ nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT, phải làm cho người tham gia BHXH, BHYT tự giác đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình và được pháp luật bảo hộ các quyền đó. Cần triển khai có hiệu quả các giải pháp thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về tham gia BHYT, phấn đấu đạt chỉ tiêu 96% dân số tham gia kể từ năm 2015 đồng thời tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020.

Thứ hai, ngành BHXH thành phố, cần không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, chú trọng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ viên chức, đặc biệt cần nhanh chóng chuyển đổi tác phong làm việc từ quản lý hành chính sang phục vụ nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” “một cửa liên thông”; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác quản lý và nghiệp vụ của ngành; bảo đảm đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng mở rộng, phát triển; thu đúng, thu đủ và chi trả các chế độ kịp thời, đủ số, an toàn, quản lý tốt nguồn thu và chi để bảo toàn, tăng trưởng quỹ,  góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị, góp phần thiết thực và hiệu quả vào mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu mạnh, văn minh.

Thứ ba, thành phố cần có chính sách hỗ trợ riêng phù hợp với từng đối tượng của từng khu vực trong việc khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện và BHTN. Người dân ở khu vực nông thôn (chủ yếu tập trung ở một số xã miền núi của huyện Hòa Vang) với thu nhập không ổn định, khó có thể chấp nhận mức đóng góp theo qui định của Luật BHXH, vì vậy thành phố cần có những chính sách quan tâm đến đối tượng này.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách và đề án giảm nghèo, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả của các phường, quận trên địa bàn thành phố.

Thứ năm, đẩy mạnh “xã hội hóa” các nguồn thu tài chính đảm bảo an sinh xã hội. Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, tình nguyện dựa vào sự tham gia của cộng đồng (các đoàn thể địa phương, các nhóm sở thích, nghiệp đoàn, gia đình, dòng họ, cá nhân...) trong việc cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, thực hiện các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ, chia sẻ rủi ro đối với những nhóm yếu thế, những đối tượng đặc thù.

Việc thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội là thước đo quan trọng của một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh, đồng thời là nhân tố quan trọng khơi dậy tính tích cực, hăng hái của các tầng lớp nhân dân để chung tay thực hiện mục tiêu an sinh xã hội đến năm 2020 đã được nêu ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW: “Đến năm 2020, cơ bản đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức sống tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”./.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: