Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.747.712
Hôm qua:752
Hôm nay:705

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Bác Hồ với Cách mạng Tháng Tám

13:31 | 31/08/2015 1960

Ở Pắc Bó, nơi đầu nguồn của cách mạng, cuộc sống thật gian khổ, những hình ảnh của đất nước thân yêu đã bắt đầu ngân vang trong tâm hồn thơ của Người: “Non xa xa, nước xa xa…đây suối Lênin, kia núi Mác”. Với phong thái ung dung, thanh thản, lạc quan của người cách mạng:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”.

Sau 3 tháng nắm tình hình và chuẩn bị, lấy danh nghĩa Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 ban chấp hành Trung ương Đảng, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 họp tại Khuổi Nậm (Pắc Bó). Hội nghị đã tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đưa quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy và đã thành lập mặt trận Việt Minh.

Hội nghị Trung ương tám đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Đây là hội nghị hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược và sách lược của Đảng, thực chất là sự trở về với chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt 1930 một cách đầy đủ và sâu sắc hơn, đã mở đường cho thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945.

Ngay từ khi mới về Pắc Bó, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức thí điểm các hội cứu quốc ở Cao Bằng, làm cơ sở thực tế cho mặt trận Việt Minh ra đời ngày 19/5/1941. Đến năm 1942, khắp chín châu của Cao Bằng đều có hội cứu quốc, trong đó có ba châu “hoàn toàn”, nghĩa là mọi người đều gia nhập mặt trận Việt Minh, xã nào cũng có Uỷ ban Việt Minh. Phong trào này đã lôi cuốn đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao vào hội cứu quốc. Sang năm 1943, Uỷ ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng thành lập.

Báo Việt Nam Độc Lập là cơ quan tuyên truyền của mặt trận Việt Minh do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Mục đích của tờ báo là: “Báo Việt Nam Độc Lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”. Nguyễn Ái Quốc vừa chỉ đạo trực tiếp, vừa tham gia duyệt bài, viết bài, có khi cả trình bày, minh hoạ và in báo. Những bài báo, bài ca tuyên truyền của Người, đến hàng chục năm sau nhiều hội viên cứu quốc vẫn còn nhớ.

Để giáo dục tinh thần yêu nước, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm Lịch sử nước ta, xuất bản tháng 2 năm 1942. Đây là tập diễn ca lịch sử gồm 236 câu lục bát, trình bày từ thời Hùng Vương đến năm 1942. Mở đầu, Người viết:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Tập diễn ca lịch sử này làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân ta, có người đến nay vẫn còn thuộc lòng.

Để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân cả nông thôn và thành thị, cả sinh viên, học sinh, trí thức, tư sản dân tộc vào mặt trận cứu nước, năm 1943, Đảng đưa ra bản Đề cương văn hoá cứu quốc Việt Nam, vận động thành lập Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam (cuối 1944), và Đảng Dân chủ Việt Nam (tháng 6/1944).

Lấy tên là Hồ Chí Minh để sang Trung Quốc nhằm thực hiện sự liên minh quốc tế chống phát xít, Người bị bắt giam ở Quảng Tây. Hơn một năm bị giam cầm, đoạ đày, hành hạ nặng nề (từ ngày 27/8/1942 đến ngày 10/9/1943), Người bị giải đi hơn 30 nhà giam, khắp 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, và Người đã viết 134 bài thơ bằng chữ Hán. Trong bài Khai quyển Người viết:

Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

Làm thơ trong hoàn cảnh như thế, nhưng khi đọc Nhật ký trong tù, một nhà thơ nước ngoài đã nói: “Chúng ta bắt gặp một tâm hồn vĩ đại của môt bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Tôi cảm thấy trái tim vĩ đại ấy đã toả ánh sáng chói ngời trong hoàn cảnh khó khăn”.

Sau ngày được trả tự do, sức khoẻ của Hồ Chí Minh bị giảm sút nghiêm trọng: mắt bị mờ, chân đi không vững. Người tập nhìn vào bóng tối để luyện mắt, tập đi, tập leo núi để luyện chân. Người đã tham gia cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Cuối tháng 9 năm 1944 Người về đến Pắc Bó.

Để chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám, từ năm 1942 đến 1945, Việt Minh đã lần lượt xuất bản “Chiến thuật du kích”. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của Hồ Chí Minh viết về quân sự. Lời viết ngắn gọn, giản dị nhưng đầy đủ, phù hợp với việc huấn luyện quân sự thời kỳ này. Mười ba chương của tác phẩm là cẩm nang quý giá, kết tinh nghệ thuật quân sự của tổ tiên với chiến tranh nhân dân cách mạng. Không ít các tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam đã từng được khai tâm bằng cuốn sách giáo khoa quân sự vở lòng này.

Sau khi về nước, Người quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, với bản chỉ thị ngắn gọn, súc tích, đầy đủ, có tính cương lĩnh quân sự của Đảng ta. Cuối bản chỉ thị đã khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang, nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Chỉ hai ngày sau khi ra đời, đội đã lập hai chiến công đầu oanh liệt: hạ đồn Phay Khắt ngày 25/12/1944 và đồn Nà Ngần ngày 26/12/1944. Tháng 2 năm 1945 Việt Minh xuất bản “Phép dùng binh của ông Tôn Tử”. Mở đầu cuốn sách Hồ Chí Minh viết: “Nguyên tắc của Tôn Tử chẳng những dùng về quân sự đúng, mà dùng về chính trị cũng rất hay”. Cuối cuốn sách Người khẳng định: “Kết luận vắn tắt 13 chương của Tôn Tử là: Muốn thành công thì phải biết trước mọi việc”.  Những cán bộ Việt Minh, cả quân sự và chính trị đã được chuẩn bị huấn luyện như thế.

Tháng 2 năm 1945 Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc tiếp xúc với các lực lượng đồng minh để đặt đúng cuộc chiến đấu của dân tộc trong bối cảnh quốc tế. Đêm 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Đảng ta kịp thời ra chỉ thị lịch sử: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Một cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới tổng khởi nghĩa dâng lên trong cả nước. Các cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng phần phát triển khắp nơi. Khu giải phóng Việt Bắc ra đời (4/6/1945) bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, trở thành căn cứ địa của cả nước và là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới. Đại bản doanh của cách mạng chuyển từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) là nơi có chính quyền cách mạng, lại thuận tiện liên lạc với cả nước.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã đi đến những ngày cuối. Phát xít Đức đã bị tiêu diệt (5/1945), Liên Xô chuyển quân về phía đông, chuẩn bị tuyên chiến với Nhật. Tình hình chuyển biến rất nhanh chóng, Đảng ta phải tranh thủ từng giây, từng phút, không thể để lỡ cơ hội. Lúc đó, Hồ Chí Minh lại ốm nặng, Người dặn dò công việc và nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Chúng ta quyết giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15/8/1945. Đại hội quốc dân Tân Trào họp ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945 đã quyết định tổng khởi nghĩa, lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam, trước lá cờ thiêng liêng của tổ quốc, xin thề: “Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước”, để giành lại độc lập cho tổ quốc.

Ngày 19 tháng 8, hàng chục vạn đồng bào Hà Nội mít tinh, chiếm lĩnh phủ khâm sai bù nhìn. Ngày 23 tháng 8, 15 vạn đồng bào Huế khởi nghĩa chiếm dinh thự của triều đình Huế và bọn tay sai. Ngày 25 tháng 8, một triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình thị uy buộc viên khâm sai bù nhìn phải từ chức, uỷ ban nhân dân lâm thời Nam Bộ ra mắt đồng bào. Ngày 30 tháng 8 Bảo Đại thoái vị, tự nhận là người dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ. Chế độ thực dân hơn 80 năm, chế độ phong kiến hàng ngàn năm đã bị lật nhào. Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám chỉ diễn ra trong vòng hơn 10 ngày nhưng Đảng và nhân dân ta đã chuẩn bị tới 15 năm từ 1930 đến 1945 qua 3 cao trào cách mạng.  

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội với Quốc kỳ mới, Quốc ca mới, Quân đội mới, Nhân dân mới, Chính phủ mới, Chế độ mới.

Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho Hội nghị Vécxay mà Cụ Hồ đã viết năm 1919 và chương trình Việt Minh Cụ Hồ đã viết năm 1941. Hơn nữa bản Tuyên ngôn độc lập là sự noi gương và thực hành những tư tưởng về độc lập và nhân quyền của cách mạng Mỹ 1776; về tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp 1789; về dân tộc, dân quyền, dân sinh của cách mạng Trung Quốc 1911; về tính triệt để của cách mạng vô sản Nga 1917. Quan niệm mới và đặc sắc của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập là phải gắn liền quyền con người với quyền dân tộc. Độc lập tự do của dân tộc là điều kiện tiên quyết cho quyền cá nhân mỗi con người. Bản Tuyên ngôn độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu tín mạng đã hy sinh, bao nhiêu máu đã đổ của những người con Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, những hải đảo xa xôi, trên máy chém và trên chiến trường.

Đã 70 năm trôi qua, hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám, các cấp, các ngành, các địa phương đều tổ chức long trọng. Trong nhân dân có những cụ bà cụ ông đã ngoài tám, chín mươi tuổi vẫn cất lên những lời ca: “Bao chiến sĩ anh hùng”, “Mười chín tháng Tám quốc dân là ngày khởi nghĩa, cờ bay muôn nơi…”, chúng ta như đang sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Cách mạng thực sự là ngày hội của quần chúng.

Ths. Nguyễn Thị Kim Oanh
Trưởng Khoa LL Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: