Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.724.466
Hôm qua:1.175
Hôm nay:1.128

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

Tư tưởng “chính phủ đảm bảo hoà bình và phồn vinh cho dân chúng” trong bàn về khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau và “chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì nhân dân phục vụ” ở Việt Nam

08:59 | 09/08/2022 672

                      ThS. Nguyễn Thị Cẩm Nhung

Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

Tóm tắt:

Bàn về khế ước xã hội là tác phẩm thể hiện tư tưởng chính trị của Jean Jacques Rousseau - một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Pháp thế kỷ XVIII. Bài viết giới thiệu những nội dung cơ bản nhất của tác phẩm với tư tưởng“Chính phủ đảm bảo hoà bình và phồn vinh cho dân chúng”. Từ đó liên hệ với Việt Nam về “Chính phủ kiến tạo, liêm chính”, “vì nhân dân phục vụ”.

Từ khoá: Bàn về khế ước xã hội, Chính phủ đảm bảo hoà bình và phồn vinh, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

I. Đặt vấn đề

Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778) là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Pháp thế kỷ XVIII, là đại diện tiêu biểu cho lập trường chính trị cấp tiến, đấu tranh cho tự do, bình đẳng và dân chủ, cho nền cộng hòa và chống lại chính thể quân chủ chuyên chế. Nội dung tư tưởng chính trị của ông được thể hiện chủ yếu trong tác phẩm Bàn về Khế ước xã hội (1762). Tác phẩm chứa đựng nhiều nội dung, trong đó nổi bật là tư tưởng Chính phủ đảm bảo hoà bình và phồn vinh cho dân chúng. Mặc dù khác nhau về thời đại lịch sử, nhưng trong mục tiêu xây dựng chính phủ của Rousseau có những điểm tương đồng với Chính phủ Việt Nam: Nhân dân chính là chủ thể để Chính phủ phục vụ, để thụ hưởng những thành quả của Chính phủ đó.

Bài viết đề cập đến nội dung cơ bản của tác phẩm với nội dung nổi bật: Tư tưởng “Chính phủ đảm bảo hoà bình và phồn vinh cho dân chúng”. Từ đó liên hệ với Việt Nam về “Chính phủ kiến tạo, liêm chính”, “vì nhân dân phục vụ”.

 

II. Nội dung

1. Tác phẩm Bàn về khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau với tư tưởng “Chính phủ đảm bảo hoà bình và phồn vinh cho dân chúng”

1.1. Về tác giả và tác phẩm

J.J.Rousseau sinh ngày 28 tháng 6 năm 1712 trong một gia đình thợ thủ công ở Geneve. Bàn về khế ước xã hội là tác phẩm chính trị xã hội, chỉ trên 150 trang, nhưng lại là một công trình có ý nghĩa lịch sử rất lớn.

 Bàn về khế ước xã hội được xuất bản tháng 4-1762, khi ấy Rousseau
 50 tuổi. Với tác phẩm này này, Rousseau nêu cao tư tưởng: Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người…
Nếu tìm xem điều gì tốt nhất cho tất cả mọi người và đỉnh cao nhất của hệ thống lập pháp là cái gì, ta có thể quy vào hai mục tiêu: Tự do và bình đẳng[1]. Do đó, cộng đồng quốc gia cần có một khế ước xã hội.

1.2. Về b cục của tác phẩm

Ngoài phần mở đầu, phần phụ lục, Bàn về khế ước xã hội được chia làm 4 quyển, gồm 48 chương, trên dưới sáu vạn chữ.

Quyển thứ nhất gồm 9 chương, mở ra những ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự và những ý niệm chung về việc thành lập “Công ước xã hội”.

Quyển thứ hai gồm 12 chương, chủ yếu bàn về vấn đề lập pháp – cơ quan quyền lực tối cao.

Quyển thứ ba gồm 18 chương, bàn chủ yếu về vấn đề cơ quan hành pháp – chính phủ.

Quyển thứ tư gồm 9 chương, bàn tiếp nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề “cơ quan tư pháp”.

Điều đặc biệt là mỗi chương trong tác phẩm không giống nhau về độ dài: Có những chương chỉ dài 9 dòng – như chương 9, quyển thứ tư; hoặc dài một vài trang sách; nhưng cũng có chương dài đến 15 trang sách – như chương 4, chương 8 của quyển thứ tư.

1.3. Về tên gọi và mục đích của tác phẩm

Về tên gọi: Khế ước xã hội là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn mà Rousseau đặt dưới một nhan đề khá dài Bàn về Khế ước xã hội hay là Các nguyên tắc về quyền chính trị.

Về mục đích khi viết cuốn sách, tác giả mong muốn: tìm xem trong trật tự dân sự có chăng một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người; và có chăng những luật pháp đúng với ý nghĩa chân thực của nó. Trong bài nghiên cứu này, tôi gắn liền cái mà luật pháp cho phép với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”[2].

1.4. Một số nội dung nổi bật của tác phẩm

Thứ nhất, vì sao cần phải có khế ước xã hội?

Nhận xét đầu tiên của Rousseau về con người và xã hội là: “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích”[3]. Từ đó, Rousseau đặt vấn đề cần phải có một khế ước (contrat) hay một công ước (pacte) xã hội khi con người đã thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên như các động vật khác để trở thành con người dân sự trong xã hội. Và ông khẳng định: Phương pháp duy nhất để con người tự bảo vệ là họ phải kết hợp lại với nhau thành một lực lượng chung, được điều khiển bằng một động cơ chung, khiến cho mọi người đều bình đẳng một cách hài hòa”[4]. Tìm ra một hình thức liên kết với nhau để dùng sức mạnh chung mà bảo vệ mỗi thành viên, Rousseau cho rằng mỗi thành viên, trong khi khép mình vào tập thể, dùng sức mạnh tập thể, vẫn được tự do đầy đủ như trước, vẫn chỉ tuân theo bản thân mình. Đó là vấn đề cơ bản mà khế ước xã hội đưa ra cách giải quyết[5].

Các điều khoản của khế ước xã hội sẽ quy vào một điểm duy nhất là: Mỗi thành viên từ bỏ quyền riêng của mình để gộp hết vào quyền chung. Ai ai cũng như vậy cả, không ngoại trừ một người nào. Cho nên sẽ không ai muốn cho một người khác phải thiệt thòi trong khi tham gia công ước xã hội. Vậy thực chất của công ước xã hội có thể quy vào một công thức: Mỗi người chúng ta đặt mình và quyền lực của mình dưới sự điều khiển tối cao của ý chí chung, và chúng ta tiếp nhận mỗi thành viên như một bộ phận không thể tách rời của toàn thể[6].

Thứ hai, tư tưởng “Chính phủ đảm bảo hoà bình và phồn vinh cho
 dân chúng”.

 Trả lời cho câu hỏi: Điều kiện quyết định để xây dựng một dân tộc là gì? Rousseau chỉ ra: Con người phải được hưởng hòa bình và phồn vinh”[7]. Bởi vì, theo ông, không có điều kiện quyết định ấy thì mọi điều kiện khác như lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên phong phú cũng đều vô nghĩa (Tư tưởng nhân văn).

Sau khi luận giải các vấn đề trên, Rousseau nêu bật một tư tưởng vĩ đại: Nếu tìm xem điều tốt nhất cho tất cả mọi người và đỉnh cao nhất của hệ thống lập pháp là cái gì, ta sẽ thấy có thể quy gọn vào hai mục tiêu: Tự do và bình đẳng.

Dấu hiệu của một chính phủ tốt là gì? Rousseau cho rằng: Trong một nước, ý chí của toàn dân thể hiện ở cơ quan lập pháp, tức là cơ quan quyền lực tối cao; còn sức mạnh quốc gia thể hiện ở cơ quan hành pháp, tức là chính phủ. Ông nêu ra ba loại hình chính phủ: Chính phủ dân chủ; Chính phủ quý tộc; Chính phủ quân chủ. Vậy dấu hiệu của một chính phủ tốt là gì? Tất nhiên là sự đảm bảo hòa bình và phồn vinh cho dân chúng. Ông phân tích: “Mục đích cuối cùng của một tập thể chính trị là gì? Chính là sự bảo toàn và phát triển của các thành viên tập thể ấy. Vậy dấu hiệu chính xác nhất của sự bảo toàn và phát triển ấy là gì? Chính là số lượng và mật độ dân cưMột chính phủ không dùng đến biện pháp ngoại lai, không di dân các nơi khác đến, không đi chinh phục thuộc địa, mà dân trong nước ngày càng đông đúc, thì nhất định phải là một chính phủ tốt. Một chính phủ mà để dân ngày càng hao mòn, suy nhược, số dân ngày càng giảm sút, đó là chính phủ tồi tệ nhất[8].

Ở đây, chỉ vài câu văn rất ngắn, chúng ta đã thấy tư tưởng nhân văn rộng lớn của tác giả: Điều quan trọng nhất để đánh giá chính phủ là tốt hay xấu chính là ở nơi quyền lợi mà nhân dân được hưởng. Nhân dân chính là chủ thể để chính phủ phục vụ, để thụ hưởng những thành quả của chính phủ đó.

Điều quan tâm lớn của Rousseau là tình trạng Chính phủ lạm quyền và thoái hóa. Ông cho rằng khuynh hướng chung của chính phủ hiện nay là làm trái với quyền lực tối cao của nhân dân, rồi từ đó ông bàn đến Biện pháp ngăn chặn chính phủ cướp quyền. Ông phân tích: “Điều khoản thành lập chính phủ không phải là khế ước mà là một đạo luật Những người được ủy thác nắm quyền hành pháp không phải là ông chủ của nhân dân mà chỉ là những công chức. Dân chúng có thể cất nhắc hay bãi miễm họ; họ không được phản kháng mà chỉ có phục tùng.[9]

2. Từ tư tưởng “Chính phủ đảm bảo hoà bình và phồn vinh cho dân chúng” của J.J.Rousseau đến “Chính phủ kiến tạo, liêm chính”, “vì nhân dân phục vụ” ở Việt Nam

Mặc dù khác nhau về thời đại lịch sử, nhưng trong mục tiêu xây dựng Chính phủ của J.J.Rousseau có những điểm tương đồng với Chính phủ Việt Nam. Đó là mục tiêu cuối cùng mà một Chính phủ hướng đến là để phục vụ nhân dân. Nếu như Rousseau đề cập đến yêu cầu “Chính phủ phải đảm bảo hoà bình và phồn vinh cho dân chúng”, thì đối với Việt Nam, chúng ta xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính”, “vì nhân dân phục vụ”.

2.1. Chính phủ “kiến tạo, liêm chính”

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 26/7/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới trong nhiệm kỳ của mình, đó là “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”[10].

Chính phủ kiến tạo là chính phủ phải làm tốt công tác quản lý Nhà nước; sử dụng tốt các công cụ kiến tạo phát triển như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, bảo vệ môi trường, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, chính phủ còn phải dũng cảm, đương đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là một mô hình Chính phủ hiệu quả, tinh gọn và liêm chính từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương.

Chính phủ kiến tạo phải sử dụng tốt từng đồng thuế của người dân, vận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ phát triển. Trong đó, liêm chính với vai trò là bộ phận cấu thành của đạo đức công vụ, ngăn chặn những ham muốn bất chính chi phối làm tn hại đến lợi ích của nhân dân. Liêm chính là nền tảng của Chính phủ kiến tạo, bởi mục đích của kiến tạo là hướng đến nhân dân, do đó liêm chính đảm bảo cho những lợi ích của nhân dân không bị bớt xén, đánh cắp cho cá nhân hay bất kỳ một nhóm người nào. Do đó, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao đóng vai trò then chốt, đồng thời phải minh bạch thông tin để nhân dân có thể kiểm soát được hoạt động của Chính phủ.

2.2. Chính phủ “vì nhân dân phục vụ”

Tiếp tục tinh thần của Chính phủ nhiệm kỳ trước, phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ[11]. Thủ tướng yêu cầu quyết liệt chỉ đạo, điều hành và triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Trong hơn hai năm chống dịch covid-19, với chủ trương của Đảng và Chính phủ “không để một ai bị bỏ lại phía sau”, đã có hai gói an sinh lớn hỗ trợ người dân trong đại dịch. Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/04/2020 về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch với gói hỗ trợ là 62000 tỷ đồng; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19, với trị giá là 26000 tỷ đồng.

Trong những thời điểm khó khăn nhất, một loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ được quyết liệt triển khai với tinh thần lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, giúp người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở với các biện pháp y tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ người dân được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả, với quy mô chưa từng có, trong thời hạn rất gấp rút nhưng lại kéo dài, trong điều kiện giãn cách xã hội để chống dịch và nguồn lực lại có hạn. Trong năm 2021, cả nước đã dành gần 71.500 tỉ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp hơn 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn[12]. Đó chính là sự thể hiện rõ nhất tinh thần vì nhân dân phục vụ của Chính phủ.

III. Kết luận

Bàn về khế ước xã hội là tác phẩm quan trọng nhất của nhà tư tưởng khai sáng Jean Jacques Rousseau, có ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình cách mạng dân chủ tư sản Pháp thế kỷ XVIII (1789 -1794); những tư tưởng của tác phẩm còn có ý nghĩa to lớn và sức ảnh hưởng cho đến tận ngày hôm nay.

Có thể thấy rằng, thời đại của Rousseau và bối cảnh ra đời của tác phẩm có sự khác biệt so với chúng ta ngày nay (Đã 260 năm trôi qua từ khi tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên). Tuy nhiên, trong mục tiêu xây dựng Chính phủ của ông có những điểm tương đồng với Chính phủ Việt Nam. Nếu như Rousseau đề cập đến yêu cầu “Chính phủ phải đảm bảo hoà bình và phồn vinh cho dân chúng”, thì đối với Việt Nam, chúng ta xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính”, “vì nhân dân phục vụ”. Những chủ trương và hành động của Chính phủ Việt Nam trong hơn hai năm chống dịch covid-19 vừa qua đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ. Đó là Chính phủ hành động mạnh mẽ, quyết liệt, phục vụ nhân dân, vì nhân dân là trên hết, trước hết./

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Chính phủ sau 1 năm kiện toàn: Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, Báo Tuổi Trẻ online, ngày 06/04/2022, https://tuoitre.vn/chinh-phu-sau-1-nam-kien-toan-het-long-het-suc-phung-su-to-quoc-phuc-vu-nhan-dan-20220406102034668.htm, truy cập ngày 29/07/2022.

2. “Lời tuyên thệ và phát biểu của Thủ tướng trước Quốc hội”, Báo Điện tử Chính Phủ, ngày 26/07/2016, https://baochinhphu.vn/loi-tuyen-the-va-phat-bieu-cua-thu-tuong-truoc-quoc-hoi-102206479.htm, truy cập ngày 29/07/2022.

3. Jean Jacques Rousseau: Bàn về khế ước xã hội (Hoàng Thanh Đạm dịch), Nxb.Thế Giới, Hà Nội, 2018.

4. Thanh Giang, “Xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động,
hiệu quả, vì nhân dân phục vụ
”, Báo Nhân Dân, ngày 11/08/2021, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/xay-dung-chinh-phu-doi-moi-liem-chinh-hanh-dong-hieu-qua-vi-nhan-dan-phuc-vu-659292/, truy cập ngày 29/07/2022.

 

[1] Jean Jacques Rousseau: Bàn về khế ước xã hội (Hoàng Thanh Đạm dịch), Nxb.Thế Giới, Hà Nội, 2018, tr.124.

 

[2] Sđd, tr.56.

[3] Sđd, tr.57.

[4] Sđd, tr.71.

[5] Sđd, tr.71-72.

[6] Sđd, tr.73.

[7] Sđd, tr.121.

[8] Sđd, tr.174.

[9] Sđd, tr.199.

[10] Lời tuyên thệ và phát biểu của Thủ tướng trước Quốc hội”, Báo Điện tử Chính Phủ, ngày 26/07/2016, https://baochinhphu.vn/loi-tuyen-the-va-phat-bieu-cua-thu-tuong-truoc-quoc-hoi-102206479.htm, truy cập ngày 29/07/2022.

[11] Thanh Giang, Xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, Báo Nhân Dân Online, ngày 11/08/2021, https://nhandan.vn/xay-dung-chinh-phu-doi-moi-liem-chinh-hanh-dong-hieu-qua-vi-nhan-dan-phuc-vu-post659292.html, truy cập ngày 29/7/2022.

[12] Chính phủ sau 1 năm kiện toàn: Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, Báo Tuổi Trẻ online, ngày 06/04/2022, https://tuoitre.vn/chinh-phu-sau-1-nam-kien-toan-het-long-het-suc-phung-su-to-quoc-phuc-vu-nhan-dan-20220406102034668.htm, truy cập ngày 29/07/2022.

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: