Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.724.798
Hôm qua:1.175
Hôm nay:1.128

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM THEO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

14:50 | 07/12/2021 887

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, từ khi chưa giành được chính quyền, Đảng ta đã xây dựng Đề cương văn hóa (năm 1943) - văn bản không chỉ thể hiện quan điểm, mà có vai trò là cương lĩnh, định hướng phát triển văn hóa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Người cũng chính là biểu tượng của cốt cách, tâm hồn văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức vào ngày 24/11/1946, Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và luận điểm này đã trở thành nguyên tắc chi phối, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam, là cơ sở để Đảng ta xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã đưa ra 05 quan điểm về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đó là: (1) văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; (2) xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; (3) phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; (4) xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; (5) xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã xác định 06 nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, bao gồm: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Từ đó, Đảng ta đưa ra 04 giải pháp để tiếp tục xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, cụ thể: tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.

Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã bổ sung nhiều nội dung mới về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Những nội dung cốt lõi đó là:

Thứ nhất, Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”1. Đây là một nhận thức mới, trong đó đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng của nó, với tư cách là các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Hơn thế nữa, gia đình cũng chính là môi trường giáo dục đầu tiên vô cùng quan trọng, đặc biệt là nơi hình thành và nuôi dưỡng những mầm mống đầu tiên có ý nghĩa định hướng về tính cách của mỗi con người. Vì thế, đây cũng chính là cách đặt vấn đề về sự cần thiết phải quan tâm, có những giải pháp, điều kiện tích cực hơn trong việc xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện mới2.

Thứ hai, trong các văn kiện Đại hội XIII, vấn đề chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người được nhấn mạnh. Trong vấn đề phát triển con người, Báo cáo chính trị và các văn kiện Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục và bảo vệ trẻ em, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, coi đây là đối tượng quyết định tương lai của đất nước, cần được giáo dục, bồi dưỡng toàn diện, song cũng là lớp người dễ bị tổn thương, cần được quan tâm bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa. Những nội dung được nhấn mạnh trong giáo dục, bồi dưỡng con người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng là “tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”, “đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”3.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nhấn mạnh yêu cầu “Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị”4. Muốn vậy, cần phải “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hoá trong lãnh đạo, quản lý5. Chuẩn mực văn hóa của người lãnh đạo, quản lý không chỉ trong ngôn từ lời nói, cách thức giao tiếp, mà còn là thái độ, đạo đức, lối sống dân chủ, có  trách nhiệm trong công việc và tình thương yêu với đồng chí, đồng nghiệp, tôn trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Thứ ba, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”6. Lần đầu tiên, Đảng ta đề cập đến vấn đề “hạn chế của con người Việt Nam”. Bên cạnh những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, cần khắc phục những hạn chế đó là: tâm lý tiểu nông, thích hưởng thụ, thiếu tư duy dài hạn, thiếu kỹ năng hợp tác, hiếu thắng, thiếu ý thc tôn trọng pháp luật... Đồng thời, “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội”7.  

Thứ tư, về xây dựng môi trường văn hóa. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hoá thật sự trong sạch, lành mạnh”8. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hoá trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hoá công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh. Bên cạnh đó, Đảng ta nhấn mạnh: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”9.

Thứ năm, về phát triển ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá. Văn kiện Đại hội XIII đặt ra yêu cầu “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam”10. Cần đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa trong nước và quốc tế. Thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam sẽ trở thành sức mạnh mềm văn hóa dân tộc. Đó là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn để phát triển đất nước.

Tóm lại, những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người việt nam chính là những điểm nhấn để xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Đồng thời đây cũng là những điều kiện không thể thiếu để thực hiện được một định hướng phát triển rất quan trọng, tạo thành một động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian tới, đó là: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”11.

-------------------------------

Chú thích:

1, 3, 6, 7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr 143.

2 Hội đồng Lý luận Trung ương (2021), Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật.

4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 2.

5, 8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr 144.

9 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr 146.

10 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr 145.

11 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tr 110.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 1, tập 2.

3. Hội đồng Lý luận Trung ương (2021), Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật.

ThS. Lưu Thị Tươi

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: