Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.799.826
Hôm qua:1.127
Hôm nay:396

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

VAI TRÒ CỦA QUỐC HỘI TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NƯỚC TA

08:28 | 20/01/2021 1226

Trần Hữu Minh

Khoa Nhà nước và pháp luật

     Hệ thống chính trị là tổ hợp có tính chỉnh thể các thể chế chính trị (các cơ quan quyền lực nhà nước, các đảng chính trị, các phong trào xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội ….) được xây dựng trên các quyền và các chuẩn mực xã hội, phân bổ theo một kết cấu chức năng nhất định, vận hành theo những nguyên tắc, cơ chế và quan hệ cụ thể, nhằm thực thi quyền lực chính trị. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân bầu ra, Quốc hội là một bộ phận cấu thành nên hệ thống chính trị nước ta. Theo Hiến pháp 2013 Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Với chức năng thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp Quốc hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc, quan trọng cho hoạt động của các chủ thể trong hệ thống chính trị, cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. Các quy định của pháp luật quốc gia về bảo vệ quyền con người, quyền công dân ngày càng hoàn thiện. Theo đó lĩnh vực bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân Quốc hội luôn bám sát tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Các giá trị cao quý của quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013 đã được cụ thể hóa trong tất cả các đạo luật và luật có liên quan. Bất cứ hoạt động nào hạn chế quyền con người, quyền công dân đều phải do luật định.

Trong những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Hiến pháp 2013 quy định một cách ngắn gọn và bao quát trong đó đặc biệt nhấn mạnh các vấn đề thuộc về kinh tế - xã hội. Với việc tập trung quyết định các chính sách cơ bản, minh bạch, cụ thể một số nội dung nhất định, Hiến pháp 2013 đã thể hiện thẩm quyền của Quốc hội trong việc bảo đảm tính thống nhất về mặt nhà nước đối với các vấn đề tài chính, tiền tệ, kinh tế nói riêng và các vấn đề quan trọng khác của quốc gia nói chung. Ngoài ra Quốc hội còn quyết định các vấn đề liên quan tới đối ngoại, chủ quyền quốc gia. Theo đó Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan tới chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Trong việc thực hiện chức năng giám sát theo Hiến pháp 2013, Quốc hội giám sát hoạt động của các cơ quan cao nhất trong bộ máy nhà nước, những cơ quan do Quốc hội thành lập, phê chuẩn như Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Hội đông bầu cử quốc gia. Hiến pháp 2013 đã bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện quyền giám sát tối cao đối với các thiết chế độc lập như kiểm toán nhà nước, hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan nhà nước khác do Quốc hội thành lập.

Như vậy với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra thông qua việc thực hiện các chức năng do Hiến pháp 2013 quy định, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Quốc hội cũng còn những hạn chế, như: chất lượng một số dự án luật cũng như tính dự báo trong các điều luật chưa cao nên các văn bản luật khi ban hành thường lạc hậu hơn so với thực tiễn cuộc sống; hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát còn thấp, việc quyết định các vấn đề quan trọng trong một số lĩnh vực còn mang tính hình thức; việc tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội nhìn chung vẫn chưa ngang tầm với nhiệm vụ… Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội cần tiến hành các giải pháp sau:

Một là, Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách với tỷ lệ phù hợp trong từng nhiệm kỳ, đồng thời quy định tỷ lệ 5% đại biểu chuyên trách là những chuyên gia, nhà nghiên cứu không giữ chức vụ trong các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội.

Hai là, Phát huy vai trò của đoàn đại biểu Quốc hội là cánh tay nối dài của Quốc hội ở địa phương trên cơ sở cần nghiên cứu cơ chế, chính sách chế độ đãi ngộ đối với các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu hoạt động chuyên trách tại địa phương để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình tại cơ sở.

Ba là, Khi tiến hành bầu cử Quốc hội cần phải giảm cơ cấu số lượng đại biểu Quốc hội là thành viên của Chính phủ để tách bạch rõ chức năng lập pháp và hành pháp trong hoạt động của bộ máy nhà nước, trên cơ sở đó sẽ khắc phục được hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Bốn là, Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm tính hợp hiến trong hoạt động của các chủ thể trong hệ thống chính trị nước ta. Trên cơ sở đó cần sớm thành lập một thiết chế để bảo vệ Hiến pháp với tên gọi là Hội đồng bảo hiến.

Năm là, Trong quá trình xây dựng luật cần cải tiến hình thức lấy ý kiến nhân dân đối với các dự luật để bảo đảm tính thực chất, phản ánh đúng các mối quan tâm của người dân đối với các chính sách được thể hiện trong các quyết định của Quốc hội.

Sáu là, Nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội thông qua các phiên chất vấn tại các kỳ họp. Để nâng cao chất lượng các phiên chất vấn thì cần quy định rõ chế tài đối với những người bị chất vấn nếu việc trả lời chất vấn không nghiêm túc, không đạt yêu cầu, các vấn đề đã hứa trước Quốc hội mà không thực hiện được. Và kết quả thực hiện lời hứa phải là một tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm hàng năm.

Bảy là, Nâng cao chất lượng các quyết định của Quốc hội về các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó cần xác định các tiêu chí cụ thể để Quốc hội xem xét và ra quyết định về các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án./.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: