Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.791.541
Hôm qua:1.268
Hôm nay:270

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐẢNG VIÊN ĐANG CÔNG TÁC THƯỜNG XUYÊN GIỮ MỐI LIÊN HỆ VỚI TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN NƠI CƯ TRÚ

15:54 | 13/01/2021 2575

 

ThS. Nguyễn Phước Phúc

Trưởng phòng QLĐT&NCKH

Ngày 02/01/2020 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 213-QĐ/TW về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú. Quy định 213-QĐ/TW đã bổ sung thêm một số điểm mới, trực tiếp, cụ thể hơn về trách nhiệm và nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú, nhiệm vụ của cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên đang công tác và nhiệm vụ của tổ chức đảng nơi đảng viên đang cư trú. Quy định này gồm 5 điều thay thế Quy định số 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII.

Theo đó, đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang (gọi tắt là đảng viên đang công tác) vừa thực hiện quy định của Điều lệ Đảng về sinh hoạt đảng tại nơi làm việc, vừa có trách nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú; gần gũi, gắn bó với nhân dân, khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của nhân dân nơi cư trú; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên đang công tác và nơi đảng viên cư trú có trách nhiệm tạo điều kiện cho đảng viên đang công tác thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ nơi cư trú, đồng thời kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá việc thực hiện của đảng viên.

Quy định 213-QĐ/TW đã chỉ rõ nhiệm vụ của đảng viên đang công tác, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên đang công tác và nơi đảng viên đang công tác cư trú. Cụ thể:

- Đối với đảng viên đang công tác, thực hiện 07 nhiệm vụ ở nơi cư trú như sau:

Một là, nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân nơi cư trú.

Hai là, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân trên địa bàn dân cư thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú.

Ba là, tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp định kỳ và tích cực tham gia các cuộc họp khác do cấp uỷ nơi cư trú triệu tập. Tích cực tham gia góp ý kiến với chi uỷ, chi bộ, đảng uỷ cơ sở nơi cư trú về các công việc chung của địa phương, nhất là những vấn đề bức xúc ở thôn, bản, tổ dân phố.

Bốn là, tham gia các cuộc họp của nhân dân nơi cư trú; thường xuyên giữ mối liên hệ với chi uỷ, trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố, ban công tác mặt trận nơi cư trú để nắm bắt tình hình nhân dân; phản ánh những ý kiến của nhân dân tới cơ quan có thẩm quyền.

Năm là, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở, giám sát cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Sáu là, tham gia và vận động các thành viên trong gia đình tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do địa phương phát động. Vận động gia đình và nhân dân xây dựng mối quan hệ gắn bó đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Bảy là, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên với chi uỷ nơi công tác vào dịp kiểm điểm, đánh giá đảng viên hằng năm. Kịp thời báo cáo với chi uỷ nơi công tác và nơi cư trú khi chuyển sang nơi cư trú khác.

- Đối với tổ chức đảng nơi đảng viên đang công tác, cấp uỷ cơ sở có nhiệm vụ:

Một là, chỉ đạo chi uỷ, chi bộ trực thuộc lập danh sách đảng viên theo nơi cư trú và chủ động liên hệ với đảng uỷ cơ sở và chi uỷ, chi bộ nơi đảng viên cư trú để giới thiệu đảng viên về sinh hoạt, thường xuyên giữ mối liên hệ với chi uỷ và nhân dân nơi cư trú theo đúng quy định. Thông báo bằng văn bản với cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên cư trú được biết về những đảng viên của đơn vị mình thường xuyên đi công tác xa nơi cư trú, lưu động hoặc có công tác đặc biệt để phối hợp tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú khi đảng viên đó có điều kiện.

Hai là, kịp thời thông báo cho chi uỷ, chi bộ, đảng uỷ cơ sở nơi đảng viên cư trú biết về số đảng viên đã được giới thiệu về sinh hoạt nơi cư trú có sự thay đổi vị trí, chuyển công tác hoặc bị khai trừ, xoá tên khỏi danh sách đảng viên hoặc đã xin ra khỏi Đảng.

Ba là, chủ trì, phối hợp với cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên cư trú kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú; biểu dương những đảng viên thực hiện tốt và nhắc nhở, phê bình hoặc xem xét xử lý theo quy định đối với những đảng viên chưa thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ nêu trên.

Bốn là, định kỳ hằng năm tổ chức lấy ý kiến nhận xét của chi uỷ, chi bộ đối với đảng viên của mình thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú. Cử đại diện cấp uỷ gặp gỡ, trao đổi với cấp uỷ nơi đảng viên cư trú để nắm tình hình và lấy ý kiến nhận xét trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử hoặc khi đảng viên cho rằng việc nhận xét của nơi cư trú chưa khách quan.

Năm là, thông báo cho đảng viên biết về ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp uỷ nơi cư trú tại cuộc họp kiểm điểm, đánh giá cuối năm hoặc khi cần thiết.

- Đối với tổ chức đảng nơi đảng viên đang công tác cư trú, có nhiệm vụ:

Một là, Đảng ủy xã, phường, thị trấn tiếp nhận và lập danh sách đảng viên đang công tác được giới thiệu về sinh hoạt, giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú ở địa phương mình; giới thiệu về cho các chi ủy, chi bộ thôn, bản, khối phố.

Hai là, Chi bộ thôn, bản, khu dân cư tiếp nhận và lập danh sách đảng viên đang công tác tham gia sinh hoạt, giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú ở đơn vị mình và thông báo cho từng đảng viên biết để liên hệ trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên nơi cư trú; đồng thời, tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, định kỳ 6 tháng hoặc khi cần thiết, đảng ủy xã, phường, thị trấn chỉ đạo chi ủy, chi bộ trực thuộc tổ chức họp đảng viên đang công tác cư trú trên địa bàn để thông báo tình hình, nhiệm vụ của địa phương hoặc chuyên đề cần tham khảo ý kiến đảng viên đang công tác để đảng viên nắm được thông tin, tham gia góp ý kiến.

Bốn là, định kỳ hằng năm, chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy) họp với ban công tác mặt trận thôn, bản, khu dân cư để nhận xét từng đảng viên đang công tác thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú trên địa bàn mình theo phiếu nhận xét và gửi về đảng ủy xã, phường, thị trấn.

Năm là, Đảng ủy xã, phường, thị trấn xác nhận phiếu nhận xét của chi ủy, chi bộ nơi cư trú đối với đảng viên đang công tác và gửi cho đảng ủy cơ sở nơi đảng viên công tác.

Sáu là, khi có yêu cầu của cấp ủy nơi đảng viên công tác, đảng ủy xã, phường, thị trấn phối hợp kiểm tra, giám sát đối với đảng viên đang công tác thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú.

Có thể nhận thấy, điểm mới đầu tiên là Quy định số 213-QĐ/TW tăng cường trách nhiệm của cấp ủy cơ sở nơi đảng viên công tác và cấp ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú trong kiểm tra, giám sát cũng như tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú và ngược lại. Quy định nêu rõ, cấp ủy cơ sở nơi đảng viên công tác chủ trì, phối hợp với cấp uỷ cơ sở nơi đảng viên cư trú kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú; biểu dương những đảng viên thực hiện tốt và nhắc nhở, phê bình hoặc xem xét xử lý theo quy định đối với những đảng viên chưa thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ nêu trên (tại Điểm 3, Điều 3).

Thứ hai, về nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú, Quy định 76-QĐ/TW chỉ đưa ra 03 nhiệm vụ, đến Quy định 213-QĐ/TW đã chỉ rõ 07 nhiệm vụ, trong đó có những điểm khác biệt sau: Về nêu gương (tại Điểm 1, Điều 2) Quy định 213 nêu rõ: Đảng viên đang công tác ở nơi cư trú nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trước Nhân dân nơi cư trú. Điểm này so với Quy định 76 là hoàn toàn mới, điều này khẳng định đảng viên cho dù ở nơi đang công tác hay ở nơi cư trú luôn phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, có như vậy nêu gương mới trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của cán bộ, đảng viên; Về giữ mối liên hệ với các tổ chức, cá nhân ở nơi cư trú (tại Điểm 4, Điều 2) Quy định 213 đã nêu rõ nhiệm vụ của đảng viên đang công tác: Tham gia các cuộc họp của Nhân dân nơi cư trú; thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố, ban công tác Mặt trận nơi cư trú để nắm bắt tình hình Nhân dân; phản ánh những ý kiến của Nhân dân tới cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, đảng viên đang công tác phải có trách nhiệm cao hơn đối với cộng đồng dân cư nơi mình cư trú; Về báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ ở nơi cư trú: Điểm mới trong Quy định 213 là đảng viên đang công tác ở nơi cư trú có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ với Chi ủy nơi công tác vào dịp kiểm điểm, đánh giá đảng viên hằng năm, thay cho nội dung tại Điều 2, Quy định 76 là hằng năm hoặc khi cần thì báo cáo với Chi ủy, Chi bộ nơi công tác về việc giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng ở nơi cư trú và thực hiện nghĩa vụ công dân của mình ở nơi cư trú.

Thứ ba, tổ chức đảng nơi đảng viên công tác phải cử đại diện gặp gỡ, trao đổi để lấy ý kiến nhận xét của tổ chức đảng nơi cư trú trước khi bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử đối với cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, Quy định số 213-QĐ/TW nêu rõ yêu cầu cấp ủy cấp xã phải lập danh sách tiếp nhận đảng viên giữ mối liên hệ ở nơi cư trú để theo dõi biến động, qua đó quản lý đảng viên chặt chẽ hơn. Đối với việc nhận xét hằng năm, quy định mới tăng thêm tính dân chủ khi mở rộng thành phần họp cho ý kiến gồm cả ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố (tại Điểm 4, Điều 4).

Ngoài ra, Quy định số 213-QĐ/TW còn làm rõ, bổ sung nhiều yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể với đảng viên đang công tác như: Tham gia góp ý với chi ủy chi bộ, đảng ủy cơ sở nơi cư trú về những vấn đề bức xúc ở thôn, tổ dân phố; nắm bắt tình hình nhân dân, phản ánh với cơ quan có thẩm quyền; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở...

Từ những quy định nêu trên cho thấy, Quy định 213-QĐ/TW góp phần quan trọng tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ, đảng viên và Nhân dân - vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc. Việc thực hiện tốt Quy định 213-QĐ/TW của Bộ Chính trị có vai trò rất quan trọng nhằm giáo dục, rèn luyện và quản lý, giám sát đảng viên. Vì vậy, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu kỹ và quán triệt sâu sắc những nội dung mới trong Quy định để chấp hành nghiêm túc những nhiệm vụ của đảng viên đang công tác ở nơi cư trú, góp phần làm tăng thêm sự gắn bó giữa đảng viên với Nhân dân và nêu cao tinh thần gương mẫu, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân như lời Bác Hồ dạy./.

Tài liệu tham khảo:

1. Thảo Nguyên: Gần dân, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 3 năm 2020.

2. Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú của Ban Chấp hành Trung ương.

3. ThS. Nguyễn Thị Hồng Hường: Một số điểm mới trong Quy định 213-QĐ/TW so với Quy định 76-QĐ/TW về đảng viên thực hiện giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, ngày 02/6/2020 (http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn).

4. ThS. Bùi Thị Ánh Hồng: Một số điểm mới về nhiệm vụ của tổ chức đảng nơi đảng viên đang công tác và nơi đảng viên đang công tác cư trú trong Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị, ngày 21/4/2020 (http://laocai.org.vn).

5. Hiền Lương: Củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh, ngày 24/5/2020 (https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-thoai/968234/cung-co-niem-tin-tiep-them-suc-manh).

 

 

 

 

 

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: