Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.820.010
Hôm qua:845
Hôm nay:317

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

CỐ KẾT CỘNG ĐỒNG, GIÁ TRỊ BAO TRÙM CỦA LỄ HỘI TẮT BẾP Ở TRÀ KIỂM, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

14:40 | 04/12/2020 1392

CỐ KẾT CỘNG ĐỒNG, GIÁ TRỊ BAO TRÙM CỦA LỄ HỘI TẮT BẾP Ở TRÀ KIỂM,

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Người viết: Trần Thị Hồng Hạnh

 

     Lễ hội Tắt bếp ở Trà Kiểm, thành phố Đà Nẵng là lễ hội truyền thống hội tụ trong mình nhiều giá trị đặc sắc: lịch sử, tâm linh, đạo đức, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật. Đặc biệt, giá trị đạo đức “sống” mãi với thời gian, “ăn sâu bám rễ” trong tâm thức cộng đồng dân làng Trà Kiểm chính là cố kết cộng đồng - Giá trị bao trùm.

Lễ hội Tắt bếp được tổ chức vào mùa Xuân, ngày 12-2 Âm lịch hằng năm tại thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng thì lễ hội này xuất hiện từ rất lâu, trong xã hội phong kiến, có gốc từ hội làng. Vào dịp Tế xuân, cúng thành hoàng hàng năm, làng đều giết trâu nhưng vì các bô lão, chức sắc ít nên không thể nào ăn hết trâu và lễ vật, nên huy động cả làng ra cùng hưởng, nói Nho gọi là “đồng lai phối hưởng” và vào ngày đó, cả làng không nhà nào thổi lửa nấu cơm. Lâu dần thành lệ, cứ đến ngày đó thì cả làng tắt bếp, ra làng dùng bữa cơm chung và vì thế lễ hội được gọi với tên Tắt bếp.

Áp vào cấu trúc lễ hội truyền thống như cách phân loại của GS.TS Nguyễn Chí Bền trong công trình Lễ hội cổ truyền của người Việt: Cấu trúc và thành tố thì cho đến nay, Tắt bếp vẫn hội đủ các thành tố: Nhân vật thờ (Thành hoàng và các bậc tiền hiền của làng); các thành tố hiện hữu (không gian tổ chức lễ hội là Miếu ông, Miếu bà; Văn tự là bia thờ và câu đối chữ Hán); Các thành tố tàng ẩn nhưng hiện hữu trong thời gian thiêng, tức thời gian diễn ra lễ hội (Trò diễn, trò chơi, lễ vật, nghi thức thờ cúng, văn cúng). Xét trên phương diện bảo tồn, các thế hệ người dân Trà Kiểm xưa và nay có thể nói đã làm rất tốt; lễ hội Tắt bếp đã “sống”, “đập cùng nhịp đập” với cuộc sống đương đại. Tuy nhiên, Tắt bếp đã và đang được cộng đồng địa phương duy trì, lưu giữ nhiều giá trị truyền thống nhưng đó là truyền thống đã được sáng tạo qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Không chỉ được bảo tồn tốt mà các thế hệ dân làng Trà Kiểm và các chủ thể khác, như là: Nhà nước, nhà nghiên cứu… đã không ngừng khẳng định, phát huy các giá trị của lễ hội Tắt bếp; biến nó thành nguồn nội lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của đời sống cộng đồng đương đại; tạo môi trường tốt nhất để bảo tồn và làm giàu văn hóa địa phương.

Tính cộng đồng, cố kết cộng đồng là sự liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa các gia đình, gia tộc, giữa các thành viên trong làng người Việt xưa dựa trên nền tảng của hai mối quan hệ: láng giềng và huyết thống. Trà Kiểm là một cộng đồng hình thành và tồn tại trên cơ sở gắn kết về mặt địa lý, sở hữu tài nguyên và lợi ích kinh tế (cộng hữu); gắn kết số mệnh bởi có có chung phong tục, tập quán, chung nhân vật phụng thờ là thành hoàng, tiền hiền làng, gắn kết với nhau về kinh tế, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, chống thiên tai, địch họa (cộng mệnh); gắn kết về nhu cầu đồng cảm trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa như cùng tham gia các hội hè, đình đám (cộng cảm). Chính nhu cầu cộng hữu, cộng mệnh, cộng cảm, dân làng Trà Kiểm đã sáng tạo nên lễ hội Tắt bếp. Đồng thời, thông qua lễ hội này, dân làng Trà Kiểm đạt được những giá trị gắn kết trên.

Năm 2019, trong dịp đến với làng Trà Kiểm, tác giả có điều kiện tìm hiểu về lễ hội Tắt bếp; tìm kiếm những căn cứ khoa học, thực tiễn để khẳng định những giá trị đặc sắc của lễ hội này, trong đó giá trị bao trùm là cố kết cộng đồng. Và những giá trị cố kết cộng đồng trên các phương diện cộng hữu, cộng mệnh, cộng cảm của lễ hội Tắt bếp được thể hiện từ khâu chuẩn bị, tổ chức cho đến mục đích, ý nghĩa:

Về khâu chuẩn bị, tổ chức: Hiếm có một địa phương nào của thành phố Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung mà hoạt động chuẩn bị, tổ chức, diễn trình lễ hội lại thu hút sự tham gia đông đảo, nhiệt thành cộng đồng địa phương như ở lễ hội Tắt bếp. Đó là tinh thần và hành động Tự thân (Tự mình, tự bản thân); Tự nguyện (Tự mình muốn làm, tự mình muốn như thế, không ai bắt buộc); dân chủ (Cộng đồng địa phương là chủ nhân sáng tạo, tổ chức, thực hành) trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức lễ hội. Thái độ và hành động đó được tạo ra từ sự tự ý thức về trách nhiệm chung của cộng đồng khi đến 70/70 ý kiến (chiếm 100%) người dân địa phương thừa nhận: Lễ hội Tắt bếp “Rất cần thiết” (Mức cao nhất) “Duy trì thường xuyên trong đời sống xã hội hiện đại” [1]. Và 70/70 ý kiến (chiếm 100%) người dân Trà Kiểm hiện nay khẳng định đầy tự hào rằng: lễ hội Tắt bếp mang trong mình nhiều giá trị, đó là: giá trị lịch sử; giá trị tâm linh, đạo đức, giáo dục, giá trị văn hóa - nghệ thuật[2].

Đối sánh để khẳng định tầm quan trọng của các nhân tố tự thân, tự nguyện, dân chủ đối với sự “sống, còn” của lễ hội Tắt bếp. Cùng nằm trên mảnh đất Hòa Vang, Lễ Rước Mục đồng lần cuối cùng được ghi nhận tổ chức là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Năm 2010, Rước Mục đồng được Ủy ban Nhân dân thành phố và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tiến hành phục dựng sau hơn 70 năm gián đoạn với quy mô và kinh phí lớn nhất từ trước tới giờ. Thế nhưng, hiện nay Rước Mục đồng đã thất truyền. Và một trong những lý do quan trọng khiến Rước Mục đồng không “sống” cùng cộng đồng địa phương bởi nó được phục dựng không dựa trên nguyên tắc tự thân, tự nguyện, dân chủ.

Đánh giá về lễ hội Tắt bếp, Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Văn Tiếng[3] có nhận định: Tắt bếp của Trà Kiểm sở dĩ tồn tại và được lưu giữ một cách tự nguyện chính là vì chủ thể trực tiếp của lễ hội vẫn là từng hộ gia đình, là người dân - Đây chính là yếu tố cần truyền thông để nhân rộng ra các địa phương khác. Còn mô hình, cách thức “Tắt bếp” ở Trà Kiểm nên xem là “Đốm sáng”, nếu nhân rộng được cũng tốt, nếu không nhân rộng được thì vẫn tốt, miễn là giữ được lễ hội Tắt bếp ở Trà Kiểm.

 Về mục đích, ý nghĩa của lễ hội Tắt bếp, Qua kết quả điều tra, tác giả khẳng định: Tắt bếp là một lễ hội lành mạnh, phù hợp đối với đời sống cộng đồng đương đại. Với kết quả trả lời cho nội dung câu hỏi: Thứ nhất, Ông/Bà (hoặc Anh/Chị) có thể cho biết mục đích của mình khi tham gia lễ hội Tắt bếp là gì? Thứ hai, Những hoạt động nào trong lễ hội khiến Ông/Bà (hoặc Anh/Chị) tâm đắc nhất? đã cho chúng ta một nhận định chung: Đời sống tinh thần phong phú, cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần; nhu cầu văn hóa tâm linh không quá cao so với các nhu cầu khác để lệch sang một thái cực là mê tín dị đoan và cũng không quá thực dụng chỉ vì mục đích, lợi ích vật chất: ăn uống, nhận quà tặng…

Một dẫn chứng xúc động về tinh thần tương thân tương ái “Nhường cơm sẻ áo”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… của dân làng Trà Kiểm trong ngày lễ hội, đó là: nếu như một vài cá nhân hoặc một số hộ gia đình gặp sự cố, tai nạn, tang ma, bệnh tật… mà không tham dự được thì dân làng cũng có những nghĩa cử rất đẹp: Gia đình có người chết trong năm thì làng sẽ dành riêng mâm cơm mang về cúng; Những ai bệnh tật không đi được thì người nhà sẽ mang thức ăn, quà bánh dành phần riêng đem về. Ngoài ra, các khoản đóng góp tại lễ hội được thường xuyên dùng cho các mục đích khuyến học, giúp đỡ những gia đình khó khăn… trên địa bàn thôn. Đặc biệt, một số gia đình và cá nhân có điều kiện kinh tế khá giả hơn cũng sẽ sẵn lòng đóng góp hơn số tiền mà đa số mọi người đóng góp.

                   Trên cả những nhu cầu vật chất, tinh thần, Tắt bếp là nguồn động lực phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay: 70/70 ý kiến (Chiếm 100%) khẳng định: Qua mỗi lần tổ chức lễ hội, mối quan hệ xòm làng tốt hơn lên[4]. Và trên thực tế, người dân Trà Kiểm đồng thuận rất cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Năm 2015, Trà Kiểm là thôn về đích đầu tiên xây dựng nông thôn mới của huyện Hòa Vang[5]; năm 2016 đạt Thôn văn hóa kiểu mẫu của xã Hòa Phước và huyện Hòa Vang[6]. Đặc biệt, trên địa bàn thôn thời gian qua vấn đề an ninh - trật tự được đảm bảo, không có tội phạm là người địa phương[7]. Chia sẻ với tác giả, ông Nguyễn Thanh Quý[8] và ông Nguyễn Thanh Đông[9] rất hài lòng và phấn khởi: bà con nhân dân trong thôn sống rất nghĩa tình, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình, địa phương.

Lan tỏa tự nhiên, thu hút tự nguyện là tác động tích cực của lễ hội Tắt bếp ở Trà Kiểm đối với các địa phương khác trên địa bàn huyện Hòa Vang.  Hiện nay trên địa bàn huyện Hòa Vang, không chỉ Trà Kiểm mà gần đến 40% các thôn khác cũng tổ chức “tắt bếp” vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11, dù chủ yếu dừng lại ở hình thức đặt tiệc, thuê nấu chứ không tự tắt bếp, nấu nướng như dân làng Trà Kiểm[10].

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt là tinh thần cố kết cộng đồng, Tắt bếp cần được bảo tồn và phát huy trong giai đoạn hiện nay với các giải pháp cơ bản sau: Triển khai nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, đánh giá, phân loại và tư liệu hóa lễ hội Tắt bếp tạo cơ sở để vinh danh lễ hội, cũng như những tổ chức, cá nhân có vai trò trong công tác phát huy giá trị lễ hội Tắt bếp thời gian qua; Tuyên truyền tạo sự chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo địa phương; Phổ biến rộng rãi nguồn gốc, nội dung giá trị truyền thống, độc đáo của lễ hội Tắt bếp, đặc biệt là giá trị cố kết cộng đồng trong cộng đồng và ngoài cộng đồng địa phương để tự hào giữ gìn, lan tỏa những giá trị đặc sắc, trong đó giá trị bao trùm: cố kết cộng đồng.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng lễ hội Tắt bếp ở Trà Kiểm vẫn được duy trì. Nó chính là môi trường nuôi dưỡng và phát triển tính cộng đồng và cố kết cộng đồng làm nên sức mạnh cộng đồng, quyết định sự tồn vong, phát triển của cồng đồng từ bao đời nay; cũng chính là cơ sở để hình thành tinh thần đoàn kết dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Chí Bền, Lễ hội cổ truyền của người Việt: Cấu trúc và thành tố, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.

2. Đỗ Trưởng, Lễ hội Tắt bếp “có một không hai” tại thành phố Đà Nẵng, Thông tấn xã Việt Nam, Báo mới.com, ngày 26/3/2013.

3. Hội văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng, Tập tục lễ hội đất Quảng, tập 3, Nxb. Đà Nẵng, 2008.

4. Hoàng Nhung, Về với làng văn hóa, Thời báo Ngân hàng, ngày 13/1/2017.

5. Hoàng Sơn, Đình làng kỳ sự: Độc đáo “ngôi đình” với lễ hội tắt bếp, Báo Thanh niên online, Ngày 13/8/2018.

6. Ngô Đức Thịnh, Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

7. Thanh Tân, Lễ tắt bếp ở Trà Kiểm: Lễ hội của tình cộng đồng, Đà Nẵng online, ngày 9/4/2012.

8. Thanh Tân, Trang sách chép chuyện xưa, Đà Nẵng online, 30/7/2017.

9. Thông tấn xã Việt Nam, Lễ hội Tắt bếp “có một không hai” tại thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Quê hương trên Internet, ngày 27/3/2013.

 

 

 

[1] Kết quả xử lý câu số 10, Phiếu hỏi

[2] Kết quả xử lý câu số 8, Phiếu hỏi

[3] Bùi Văn Tiếng: Nhà nghiên cứu văn hóa Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng

[4] Kết quả xử lý câu số 16, Phiếu hỏi

[5] Ban Công tác Mặt trận thôn Trà Kiểm, Báo cáo thành tích đề nghị các cấp khen thưởng của thôn Trà Kiểm ngày 22-09-2015.

[6] Ủy ban Nhân dân xã Hòa Phước, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Báo cáo xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới năm 2016 của Ủy ban Nhân dân xã Hòa Phước, ngày 05-10-2016.

[7] Thông tin từ ông Lê Viết Tân, công chức phụ trách Văn hóa - Thông tin xã Hòa Phước.

[8] Theo ông Nguyễn Thanh Quý, Trưởng thôn Trà Kiểm

[9] Theo ông Nguyễn Thanh Đông, Tư lễ trong Ban Tổ chức lễ cúng của lễ hội Tắt bếp ở Trà Kiểm

[10] Chia sẻ từ ông Lê Duy Cửu, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hòa Vang

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: