Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.796.032
Hôm qua:1.174
Hôm nay:629

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIỜ THẢO LUẬN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH

08:54 | 30/11/2020 1292

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIỜ THẢO LUẬN TRONG

CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH

                                                                         ThS. Nguyễn Thị Kim Oanh

                                          Trưởng khoa Lý luận cơ sở

 

Thảo luận có vị trí hết sức quan trọng, là một trong những hình thức tổ chức dạy học chủ yếu và phổ biến được xếp sau hình thức bài giảng lý thuyết. Theo Hướng dẫn số 614-HD/HVCTQG ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về Hướng dẫn thực hiện Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, tổng số buổi thảo luận chiếm gần 30% so với tổng số buổi giảng lý thuyết. Giữa bài giảng lý thuyết và giờ thảo luận có mối quan hệ biện chứng: bài giảng là tiền đề để tổ chức giờ thảo luận, thảo luận là quá trình tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh bài giảng. Đặc điểm chủ yếu của giờ thảo luận là đối thoại, tranh luận để tìm ra chân lý.

  1. Vai trò, ý nghĩa của giờ thảo luận

Thứ nhất, thông qua giờ thảo luận nhằm củng cố, bổ sung, nâng cao kiến thức cho bài giảng mà trước đó giảng viên chưa có điều kiện để trình bày. Thông qua giờ thảo luận, vấn đề của bài giảng sẽ tiếp tục được làm rõ dựa trên những căn cứ thực tế. Từ đó, giúp học viên hiểu sâu sắc hơn, chắc chắn hơn những kiến thức chứa đựng trong bài giảng.

Thứ hai, giờ thảo luận góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn của giảng viên và học viên. Cụ thể là thông qua giờ thảo luận giúp giảng viên và học viên rèn luyện được thái độ lắng nghe và tiếp thu. Lắng nghe để hiểu người khác và làm cho người khác hiểu mình nhiều hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn. Trong quá trình thảo luận, có thể sẽ xuất hiện những ý kiến trái chiều, những vấn đề mang tính phản biện. Yêu cầu đặt ra là người giảng viên cần chú ý lắng nghe, phân tích, lý giải một cách phù hợp. Tiếp nhận những lời góp ý chân thành từ phia học viên; đồng thời phải biết cách phê phán ý kiến sai trái và bảo vệ cái đúng. V.I.Lênin từng nhắc nhở những người làm công tác lý luận, tư tưởng rằng: Kẻ thù tệ hại nhất là khoác áo chủ nghĩa Mác để chống chủ nghĩa Mác. Ngoài ra, trong giờ thảo luận giảng viên và học viên cần giữ thái độ khiêm tốn, cầu thị, tôn trọng ý kiến của người khác, tránh cực đoan đi đến kiêu căng trong tranh luận. Trên thực tế, trình độ, tri thức, năng lực, thái độ và phương pháp của người học chủ yếu bộc lộ qua các buổi thảo luận.

Thứ ba, thông qua các giờ thảo luận, giảng viên và học viên rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp trình bày. Cụ thể là, giảng viên và học viên phải xem xét vấn đề từ nhiều phương diện, góc độ khác nhau (chẳng hạn một chủ đề thảo luận nào đó được đưa ra bao giờ cũng gắn với điều kiện hoàn cảnh cụ thể, không gian thời gian cụ thể, gắn với các vấn đề lý luận khác). Quá trình thảo luận khác với các buổi nghe giảng lý thuyết ở chỗ: người học không phải là người thụ động ngồi nghe mà họ luôn phải suy nghĩ tự đặt ra vấn đề cho bản thân, tự lý giải vấn đề, thậm chí qua thảo luận tạo điều kiện cho học viên suy nghĩ đặt câu hỏi buộc giảng viên phải trả lời, phải giải đáp... làm cho giảng viên và học viên không ngừng tiến bộ về mọi mặt.

2. Công tác chuẩn bị thảo luận

a. Việc chọn đề tài (chủ đề) thảo luận:

Đây là công việc đầu tiên có ý nghĩa quyết định đến thành công của buổi thảo luận. Theo Hướng dẫn số 614-HD/HVCTQG ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thông thường sau một bài, một cụm bài thì bố trí 1 buổi thảo luận. Như vậy có thể sẽ có nhiều đề tài, nhiều nội dung cần trao đổi, tranh luận nhưng chỉ 1 buổi thảo luận thì không thể giải quyết được tất cả đề tài đó. Vì vậy giảng viên phải lựa chọn đề tài sao cho từ một vấn đề cơ bản, một mắt xích chủ yếu của lý luận hoặc của thực tiễn, của đường lối mà vẫn có thể giải quyết được nhiều vấn đề khác liên quan. Chính vì vậy, việc chọn chủ đề thảo luận phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Một là, chủ đề được lựa chọn phải là một vấn đề trọng tâm của lý luận trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, mang tính tổng hợp, vừa mở rộng vừa nâng cao nhận thức. Ví dụ khi thảo luận cụm Phép biện chứng duy vật, giảng viên nên chọn chủ đề: Những nguyên tắc phương pháp luận được rút ra từ phép biện chứng duy vật.

Hai là, chọn những vấn đề có tính chất cấp bách về lý luận và thực tiễn. Chẳng hạn quan điểm của C.Mác về giai cấp tư sản, giai cấp vô sản hiện tại còn đúng không? vấn đề đấu tranh giai cấp, vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Chủ đề phải phù hợp với đối tượng cụ thể: phù hợp từng lớp, từng năm học, trong kế hoạch, ngoài kế hoạch,…phù hợp với không gian và thời gian cho phép.

b. Một số gợi ý chuẩn bị về nội dung và phương pháp:

Thực tế có những giờ thảo luận học viên có thái độ thụ động, thờ ơ, số đông ngồi im mặc dù giảng viên gọi họ vẫn không phát biểu, có lẽ do các nguyên nhân sau: công tác chuẩn bị của giảng viên chưa thực sự chu đáo; bầu không khí thiếu tự nhiên, thiếu tin cậy, người học chưa cảm nhận được sự tự do về tư tưởng, quan điểm; bản thân học viên chưa chủ động, tự giác; đề tài thảo luận trùng tên với bài giảng …do đó dẫn đến tình trạng học viên chưa có nhu cầu trao đổi là điều dễ hiểu. Để khắc phục tình trạng trên, giảng viên phải chú ý đến việc chuẩn bị về nội dung và phương pháp.

Chuẩn bị về nội dung: giảng viên bắt buộc phải soạn giáo án thảo luận, không cần phải cứng nhắc và ổn định như giáo án bài giảng, song kết cấu giáo án thảo luận phải bao hàm các bước sau:

- Lời mở đầu: ngắn gọn, rõ ràng, gây chú ý để học viên tham gia (mục đích, yêu cầu của buổi thảo luận về mặt nội dung lý luận, nội dung tư tưởng).

- Nêu những nội dung cần được triển khai: Giảng viên chủ động xác định giới hạn của vấn đề; nội dung gì cần giải quyết; gồm bao nhiêu ý; ý nào là trọng tâm. Hướng dẫn nguồn tài liệu để học viên tham khảo; hướng dẫn kỹ năng khai thác đề tài, kỹ năng phát biểu trước tập thể, kỹ năng phát hiện các vấn đề.

- Chuẩn bị hệ thống câu hỏi phụ và sẵn sàng “tung ra” khi cần thiết.

- Dự kiến đánh giá buổi thảo luận (nó được hình thành dần dần trong quá trình diễn ra buổi thảo luận). Nếu có ý kiến trái ngược nhau, giảng viên phải biết cách bảo vệ hoặc bác bỏ một cách khoa học về các ý kiến đó.

Chuẩn bị về phương pháp:

- Phân công nhiệm vụ cho học viên theo tổ; nhóm; cá nhân. Giảng viên giám sát quá trình làm việc của học viên làm thế nào để tất cả mọi thành viên của lớp đều phải nghiên cứu tài liệu.

- Giảng viên phải gợi ý, hướng dẫn để học viên triển khai vấn đề; dự kiến thời gian nhất định để học viên chuẩn bị và hoàn thiện phần trả lời.

- Có thể chỉ định người nào phát biểu trước, chọn người đóng vai trò là “chuyên gia”, xem đó như tham luận chính, sau đó mời các học viên bổ sung, nêu các vấn đề mới.

3. Tiến hành thảo luận

Trước hết giảng viên phải xác định việc tổ chức một buổi thảo luận thực chất là một buổi đối thoại mang tính chất học tập lẫn nhau theo hướng nghiêm túc, vì vậy ngay từ đầu phải tạo không khí sôi nổi thoải mái, kích thích cảm hứng và nỗ lực của mọi người.

Đối với học viên:

+ Trình bày đề cương đã chuẩn bị với ngôn ngữ rõ ràng, không dài dòng, nên nói thẳng vào vấn đề, không quanh co.

+ Khi thảo luận, tranh luận: căn cứ vào ý kiến của người đã trình bày và đối chiếu với nhận thức của mình để xem cần bổ sung gì, có thể có những luận điểm mới, cách diễn đạt mới mà mình phải học tập lẫn nhau.

+ Thái độ khi tranh luận: dân chủ, cởi mở, tránh áp đặt, tránh quy kết. Tranh luận khoa học là đỉnh cao của thảo luận bởi vì ở đó có sự xung đột về ý kiến, nhận thức, quan điểm. Tranh luận là để tìm ra chân lý. Tuyệt đối không chỉ tranh luận theo kinh viện sách vở một cách xuôi chiều.

Đối với giảng viên:

+ Điều khiển buổi thảo luận không đi xa chủ đề, không đi chệch hướng. Chủ động gợi mở, giải quyết nút thắt khi có chiều hướng bế tắc bằng cách đưa ra những câu hỏi gợi ý mà bản thân đã chuẩn bị từ trước.

+ Chủ động nêu những ý kiến trái ngược nhau để học viên tranh luận một cách hứng thú hơn. Đề cao tác phong độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng của học viên nhưng định hướng, dẫn dắt cho họ thấy suy nghĩ đó có phù hợp với thực tiễn không, có chính xác không.

+ Nếu trong trường hợp không khí tranh luận diễn ra phong phú, quá sôi động thậm chí gay gắt đòi hỏi giảng viên có phương pháp điều khiển linh hoạt, khéo léo và uyển chuyển.

4. Tổng kết buổi thảo luận

- Giảng viên kết luận những nội dung đã thảo luận: khẳng định và phủ định cái gì? Tiếp tục nghiên cứu cái gì?

- Nhận xét quá trình thảo luận: số lượng, chất lượng các ý kiến phát biểu.  Việc nhận xét đánh giá các ý kiến luôn có sự cân nhắc, có mức độ, có so sánh nhưng luôn theo hướng động viên, gợi mở, khích lệ, cổ vũ là chủ yếu.

- Rút kinh nghiệm để các buổi thảo luận sau được tốt hơn.

Tóm lại, để nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung và đảm bảo chất lượng, mục tiêu đặt ra đối với các buổi thảo luận đòi hỏi sự nỗ lực, sự cố gắng không ngừng của giảng viên và học viên. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, giảng viên chọn chủ đề thảo thuận phải cân nhắc thật kỹ, làm sao để học viên phải tư duy, phải suy nghĩ. Tránh chọn chủ đề mà học viên dễ dàng tra cứu mạng xã hội đã có ngay lời giải đáp. Nếu giảng viên có sự quan tâm và đầu tư thời gian, công sức nghiêm túc thì các giờ thảo luận cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao kiến thức lý luận, bản lĩnh chính trị, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở. Mỗi giảng viên tự lựa chọn cho mình phương pháp, kỹ năng tiến hành giờ thảo luận phù hợp với phần học, bài học. Về phía nhà trường, cần có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật, đồ dùng dạy học…giúp giảng viên có điều kiện để vận dụng các phương pháp dạy học tích cực vào quá trình giảng dạy nói chung tại Trường Chính trị./.

 

                                  

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: