Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.748.675
Hôm qua:705
Hôm nay:411

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

GIẢNG DẠY LÝ LUẬN MÁC-LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH BẰNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ: NÊN HAY KHÔNG?

14:53 | 11/08/2020 1890

GIẢNG DẠY LÝ LUẬN MÁC-LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

BẰNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ: NÊN HAY KHÔNG?

ThS. Nguyễn Thị Kim Oanh

Trưởng khoa Lý luận cơ sở

 

  1. Đặc điểm, mục tiêu giảng dạy môn lý luận tại các Trường Chính trị

Tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991), Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”[1].

Với vị trí là người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, muốn làm tròn trách nhiệm của một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng lý luận, mỗi bài giảng đòi hỏi giảng viên phải đặt ra và đạt được các mục tiêu sau đây:

Thứ nhất, giúp người học nắm được những vấn đề cốt lõi nhất, tinh túy nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Định hướng người học thông qua việc liên hệ thực tiễn (chú ý: tính điển hình của các sự kiện; tính chính xác; tính thời sự;…phù hợp với lý luận định làm rõ, chứng minh, phân tích).

Thứ hai, giảng viên phải “sở hữu” và biết sử dụng tri thức kinh điển. Tri thức kinh điển là cái gốc, là bản nguyên của hệ thống lý luận đó. Cần phải biết trích dẫn “đúng, trúng, đắt giá” các câu trích kinh điển, đem lại sự hấp dẫn, niềm tin cho người học. Tránh lạm dụng trích dẫn quá nhiều hoặc sử dụng quá ít tri thức kinh điển trong giảng dạy lý luận. Về nguyên tắc, cả hai khuynh hướng này cần phải được cân nhắc.

Thứ ba, giảng viên khi đã nắm chắc tri thức, lý luận, việc truyền thụ phải được hiểu là một khoa học và nghệ thuật: thu hút, sinh động tác động tới cảm xúc, tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ…của học viên. Để làm được điều này đòi hỏi giảng viên phải sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học.

2. Về vấn đề sử dụng phương pháp giảng dạy bằng bài giảng điện tử

Ngày nay khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, trình độ của người học không ngừng được nâng lên, đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[2].

Vận dụng ý nghĩa lời dạy đó, trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay, chúng ta nên sử dụng phương pháp truyền thống và có sự hỗ trợ của công nghệ (ứng dụng công nghệ). Thực tế cho thấy, việc sử dụng bài giảng điện tử có những ưu thế cơ bản như sau:

+ Giảng viên dễ dàng chỉnh sửa nội dung theo từng buổi giảng phù hợp với trình độ nhận thức của mỗi lớp học; giảng viên có thể liên kết các kiến thức của bài giảng một cách nhanh chóng bằng cách quay lại slide đã được trình chiếu trước đó. Giảng viên chuyển tải được một lượng kiến thức nhiều hơn, (không phải mất nhiều thời gian viết và xóa bảng).

+ Giảng viên có thể trình chiếu được hình ảnh trực quan sinh động, phim tài liệu, các bảng, biểu (nhất là khi cần phải so sánh), sơ đồ động, mô hình…giúp người học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ theo dõi.

+ Giảng viên dễ dàng nhấn mạnh các nội dung chính của bài giảng bằng cách phóng lớn nội dung bài giảng, in đậm…thông qua việc sử dụng hình ảnh, màu sắc, âm thanh phong phú, sống động. Đặc biệt các câu trích dẫn kinh điển chính xác hơn góp phần thuyết phục học viên.

Rõ ràng, hiệu quả của phương pháp giảng dạy mới có sự hỗ trợ của công nghệ, máy tính là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu lạm dụng công nghệ thông tin, nhất là phô diễn kĩ năng tin học, những kĩ xảo không cần thiết sẽ làm cho học viên mải mê với hình thức mà không nắm được nội dung bài học. Qua thực tế, tôi thấy vẫn còn tồn tại một số bất cập sau:

Một là, khi sử dụng bài giảng điện tử, phần lớn giáo viên hầu như bị phụ thuộc hoàn toàn vào màn hình máy tính, có trường hợp giảng viên quên các nội dung tiếp theo dẫn đến bị động, lúng túng. Kỹ năng sử dụng các công nghệ, phương tiện hiện đại của một số giảng viên chưa thuần thục.

Hai là, khi soạn bài giảng điện tử, một số giảng viên chưa phân định rạch ròi giữa nội dung giảng và nội dung cần ghi chép. Giảng viên chiếu kiến thức đã có trong giáo trình lên màn hình mà không có dẫn dắt khơi gợi, phân tích tổng hợp…chốt kiến thức cho học viên.

Ba là, một số giảng viên lạm dụng công nghệ thông tin, đưa quá nhiều hiệu ứng, tranh ảnh, trang trí màu sắc lòe loẹt…mà quên mất trọng tâm bài giảng. Kết quả là cả giảng viên và học viên thiếu tư duy, bài giảng sẽ lại rơi vào tình trạng khô khan, nhàm chán, khó vận dụng vào thực tế.

3. Một số biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy bằng bài giảng điện tử

+ Thiết kế bài giảng Power Point cần bảo đảm tính hệ thống, tính chính xác và hướng đến việc phát huy tính tích cực của học viên, khơi dậy suy nghĩ của học viên qua mỗi giờ học. Sự trình diễn bằng máy chiếu phải chú ý mục tiêu đặt ra của bài học, môn học.

+ Không nhất thiết bài nào, mục nào giảng viên cũng có thể dạy bằng máy chiếu mà cần có sự chọn lựa cân nhắc. Khâu chuẩn bị bài phải chu đáo, luôn tìm tòi sáng tạo bởi vì: máy móc chỉ là phương tiện, nó không thể thay thế được tâm thế của người dạy, phương pháp giảng dạy của giảng viên mới là cần thiết và quyết định chất lượng bài giảng.

+ Việc chuẩn bị một bài giảng điện tử phải thể hiện rõ tính sư phạm, phù hợp tâm sinh lý của học viên. Giảng viên phải có kiến thức, kỹ năng sử dụng phần mềm, kiến thức sư phạm và các phương pháp dạy học tích cực. Tránh trình chiếu tất cả những nội dung của bài giảng lên Slide.

+ Sau mỗi buổi dạy, giảng viên nên dành một ít thời gian để lắng nghe ý kiến đóng góp của học viên, tự rút kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy của mình. Tăng cường công tác dự giờ các đồng nghiệp để trao đổi học hỏi. Vậy, để có một giờ dạy tốt dù bằng cách nào, phương pháp nào cũng rất cần cái tâm và tài của người giảng viên./.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.21.

 

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.5, tr.113.

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: