Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.751.033
Hôm qua:705
Hôm nay:658

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

SỬ DỤNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ VÀ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ TRONG QUÁ TRÌNH GIẢNG DẠY Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

10:18 | 07/07/2020 3626

SỬ DỤNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ VÀ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ TRONG QUÁ TRÌNH GIẢNG DẠY Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

     1. Phân biệt giáo án điện tử và bài giảng điện tử

Giáo án điện tử và bài giảng điện tử là những từ ngữ quá quen thuộc với đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, không ít người còn nhầm lẫn, hoặc chưa phân biệt rõ giáo án điện tử và bài giảng điện tử.

     Giáo án điện tử

Giáo án là kế hoạch và dàn ý bài giảng của giảng viên được soạn trước ra giấy để tiến hành dạy học trong quá trình lên lớp. Trong giáo án thường ghi kế hoạch bài giảng: tên bài, thời gian giảng, đối tượng, mục tiêu bài giảng, kế hoạch chi tiết (nội dung chi tiết sắp xếp theo trình tự lên lớp, phương pháp, phương tiện, thời gian cụ thể cho mỗi mục trong bài giảng); tài liệu phục vụ soạn giảng...

Có thể hiểu giáo án điện tử chính là giáo án được biên soạn bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, dùng các phần mềm soạn thảo văn bản, điển hình nhất là Microsoft Word.

     Bài giảng điện tử

Bài giảng điện tử là một hình thức tổ chức bài lên lớp nhằm thực thi giáo án điện tử. Với bài giảng điện tử, toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy học đều được chương trình hoá, do giảng viên điều khiển thông qua môi trường đa phương tiện với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Theo PGS.TS Lê Công Triêm (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế): “Bài giảng điện tử là bản thiết kế cụ thể toàn bộ kế hoạch hoạt động dạy học của giảng viên trên giờ lên lớp, toàn bộ hoạt động dạy học đó đã được multimedie hoá một cách chi tiết, có cấu trúc chặt chẽ và logic, được quy định bởi nội dung và kết cấu của bài học”.

Những phần mềm dùng để biên soạn bài giảng trình chiếu được ưa chuộng ở nước ta hiện nay là: Microsoft Powerpoint, Adobe Presenter, Lecture Maker Violet,… Trong đó, Microsoft Powerpoint được các giảng viên, giáo viên sử dụng nhiều nhất vì dễ dùng, tính năng tương đối phong phú. Trong khi Adobe Presenter cũng đang được nhiều người quan tâm vì nó có khả năng tương tác cao với người học.

     2. Ưu điểm và hạn chế chủ yếu trong việc sử dụng giáo án điện tử và bài giảng điện tử vào giảng dạy ở trường chính trị

     Về ưu điểm

Đối với giáo án điện tử, ưu điểm dễ nhận thấy nhất là giúp giảng viên có kế hoạch và chủ động trong quá trình lên lớp, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra theo dõi của lãnh đạo khoa và nhà trường, làm cho hoạt động dạy học mang tính chuẩn mực, đảm bảo yêu cầu và mục đích của việc đào tạo. Bên cạnh đó, giáo án điện tử có thể sao lưu, in ấn, đọc và bổ sung dễ dàng, đây là ưu điểm giáo án soạn bằng chữ viết tay trên giấy khó thực hiện được.

Đối với bài giảng điện tử, nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin với các tư liệu như hình ảnh, video, âm thanh, số liệu, sơ đồ, phông chữ, hiệu ứng... được đưa vào bài giảng và trình chiếu, giúp cho bài giảng sinh động, sâu sắc, dễ hiểu, lôi cuốn, có tính tương tác cao hơn. Điều này cũng khắc phục được những hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống không có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin như tính khô cứng, thiếu tư liệu minh họa mang tính trực quan sinh động, giảng viên phải thuyết trình và viết bảng nhiều...

Một ưu điểm dễ nhận thấy của việc sử dụng bài giảng điện tử vào giảng dạy ở trường chính trị là có thể giúp giảng viên trình chiếu những câu trích trong Văn kiện Đảng, trong các nguồn tài liệu chính thống để minh họa cho nội dung bài học một cách chính xác, có trích dẫn nguồn rõ ràng, tăng tính thuyết phục đối với học viên. Trong giảng dạy truyền thống không có bài giảng điện tử, đôi khi giảng viên quên nhiều câu từ hoặc trình bày chưa toàn vẹn, chính xác, chưa nêu rõ nguồn được trích dẫn.

     Về hạn chế

Có thể nói rằng, việc sử dụng giáo án điện tử và bài giảng điện tử vào giảng dạy ở trường chính trị không có hạn chế gì đáng kể, hạn chế có chăng là do lỗi của giảng viên khi soạn thảo và sử dụng chúng trong quá trình lên lớp, nhất là với bài giảng điện tử. Những hạn chế chủ yếu của giảng viên khi soạn thảo và sử dụng bài giảng điện tử trên lớp như: lạm dụng và phụ thuộc quá nhiều vào các slide, trình chiếu nhiều chữ và yêu cầu học viên nhìn chép, phông chữ không rõ ràng khó nhìn, có những tư liệu nhạy cảm hoặc không phù hợp với nội dung bài giảng được trình chiếu...

     3. Một số yêu cầu, giải pháp trong việc sử dụng giáo án điện tử và bài giảng điện tử nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy - học ở các trường chính trị

Như đã đề cập trên đây, việc sử dụng giáo án điện tử và bài giảng điện tử trong công tác giảng dạy có nhiều ưu điểm và không có hạn chế gì lớn (chỉ có những hạn chế do giảng viên soạn thảo và sử dụng). Qua nghiên cứu tìm hiểu và thực tiễn lên lớp giảng dạy, dự giờ một số giảng viên, tác giả đúc kết một số yêu cầu, giải pháp cần đảm bảo trong việc sử dụng giáo án điện tử và bài giảng điện tử nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy - học ở trường chính trị như sau:

     Đối với giáo án điện tử

     Thứ nhất, giảng viên cần soạn thảo, in ấn theo đúng quy định chuẩn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cụ thể hiện nay là theo Quy chế Giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc Gia Hồ Chí Minh), có khung quy định về giáo án giảng dạy và giáo án thảo luận.

     Thứ hai, giáo án cần đảm bảo theo các nội dung và kết cấu của giáo trình, đồng thời trình bày tương đối chi tiết những nội dung lý luận và thực tiễn mở rộng bên ngoài nhằm minh họa và làm sâu sắc bài học, khi lên lớp giảng viên cũng có thể chủ động hoặc bổ sung thêm cho các lớp sau đó.

     Thứ ba, giảng viên lựa chọn các phương pháp giảng dạy và phương tiện hỗ trợ một cách phù hợp để đưa vào giáo án, điều này vừa làm nội dung giảng dạy được truyền tải hiệu quả vừa giúp giảng viên thành thạo, linh hoạt trong quá trình lên lớp.

     Đối với bài giảng điện tử

    Một là, để soạn thảo bài giảng điện tử có chất lượng đòi hỏi giảng viên phải có các kiến thức cũng như kĩ năng sử dụng vi tính, các phần mềm hỗ trợ, khai thác tốt thông tin, dữ liệu để đưa vào bài giảng.

     Hai là, khi soạn thảo, giảng viên phải đảm bảo trong một slide không quá nhiều chữ và hình ảnh, hoặc chữ nhỏ, mờ khó nhìn. Nội dung trình chiếu đảm bảo tuân thủ theo nội dung của giáo án điện tử, chỉ trình chiếu những nội dung cơ bản nhất. Các tư liệu như hình ảnh, âm thanh, sơ đồ... phải phong phú, sinh động, phù hợp với nội dung bài học, minh họa và làm sâu sắc bài học.

Đồng thời, do yêu cầu của công tác giảng dạy tại trường Chính trị và đặc thù của học viên về nhận thức nên những gì trình chiếu ở slide bài giảng phải nghiêm túc, chuẩn mực, hạn chế những tư liệu phổ thông đơn giản, tránh chi tiết phản cảm; không nên sử dụng nhiều hiệu ứng, hình động rối mắt không cần thiết.

Đây chính là yêu cầu để thiết kế một bài giảng điện tử theo chương trình PowerPoint đảm bảo đúng về nội dung và đẹp về hình thức.

     Ba là, khi sử dụng bài giảng điện tử, giảng viên phải thành thạo, đặc biệt là tránh quên những nút link đã được đưa vào silde. Bên cạnh đó, giảng viên cần kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt việc sử dụng bài giảng điện tử với các phương pháp giảng dạy khác để truyền tải tốt nội dung, tạo sự lôi cuốn, tăng tính thuyết phục của bài giảng và phát huy tính tích cực của học viên.

Giảng viên cần nhận thức được rằng, bài giảng điện tử là công cụ hỗ trợ trong quá trình lên lớp; không nên lạm dụng và lệ thuộc vào slide bài giảng, tránh tình trạng lỗi kỹ thuật không trình chiếu được thì giảng viên không thể lên lớp hoặc giảng không trôi chảy, quên bài; không đọc slide hoặc để học viên nhìn slide chép trong suốt buổi học.

     Bốn là, giảng viên nên đi dự giờ đồng nghiệp để học hỏi hoặc có thể nhờ người khác dự giảng để góp ý trong quá trình lên lớp, góp ý về việc soạn thảo và sử dụng bài giảng điện tử. Người giảng viên rất khó nhận thấy những tồn tại của bản thân, vì vậy, điều này sẽ giúp giảng viên thấy được những ưu điểm và hạn chế của mình để có biện pháp thích hợp, hiệu quả hơn.

     Năm là, nhà trường cần có sự quan tâm đúng đắn đối với việc sử dụng bài giảng điện tử vào nâng cao chất lượng giảng dạy như tổ chức Hội thảo, Tọa đàm về bài giảng điện tử, mời chuyên gia tập huấn về kỹ năng soạn thảo và sử dụng bài giảng điện tử cho giảng viên, khuyến khích giảng viên sử dụng bài giảng điện tử trong quá trình lên lớp...

     Hiện nay, việc sử dụng giáo án điện tử và bài giảng điện tử ở các trường chính trị mang tính phổ biến, đặc biệt giáo án điện tử có tính bắt buộc đối với giảng viên lên lớp. Sử dụng giáo án điện tử và bài giảng điện tử có nhiều ưu điểm, đồng thời cũng có những hạn chế thuộc về giảng viên khi soạn thảo và sử dụng. Vì vậy, cần lưu ý và đảm bảo những yêu cầu nhất định trong việc sử dụng giáo án và bài giảng điện tử nhằm mang lại tính hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của giảng viên, học viên./.

 

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: